22/02/2020 11:21 GMT+7

Ngang nhiên nhả khói nơi công cộng

MINH VŨ (TP.HCM)
MINH VŨ (TP.HCM)

TTO - Sau nghị định 100/2019 có hiệu lực 2 tháng, không ít người đã không lái xe khi có hơi men. Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, chuyện vô tư nhả khói thuốc nơi công cộng thì vẫn như cũ.

Ngang nhiên nhả khói nơi công cộng - Ảnh 1.

Ngồi xe sang, hút thuốc, nhả khói ra đường ở Q.10, TP.HCM - Ảnh: MINH VŨ

Luật đã có quy định rõ về việc không hút thuốc lá nơi công cộng nhưng hành vi phì phèo điếu thuốc trên môi vẫn diễn ra "mọi lúc mọi nơi", có thể là ở nhà chờ xe buýt, nhà ga, thậm chí là bệnh viện, công sở, trường học...

Phì phèo nhả khói, vô tư búng tàn

Buổi sáng trên đoạn đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM, người đàn ông ngồi trên chiếc ôtô 4 chỗ bóng loáng chạy phía trước tôi liên tục rít thuốc lá. Để nhả khói, anh ta vô tư bấm cửa kính hạ xuống và đưa cả cánh tay cầm điếu thuốc ra bên ngoài. Gió thổi, tàn thuốc bay vào mắt, quần áo của tôi và những người xung quanh.

Tới ngã tư, dừng chờ đèn xanh đèn đỏ, người đàn ông kia vẫn thản nhiên liên tục rít thuốc và búng ngay tàn thuốc xuống đường, không quan tâm đến ánh mắt khó chịu của những người đi xe máy đang phải hứng chịu khói thuốc bay xộc vào mũi, bám vào người. Tôi mở lời góp ý, anh ta nhìn tôi bằng "ánh mắt hình viên đạn" thay vì nói lời xin lỗi mọi người.

Đây không phải là những hình ảnh hiếm hoi chúng ta bắt gặp và phải hứng chịu trên đường hằng ngày. Bực nhất khi đang dừng chờ đèn xanh đèn đỏ vô tình đứng cạnh người đang phì phèo thuốc lá, dù là đang bịt khẩu trang vẫn có thể ngửi rõ mùi khói thuốc xộc vào mũi, khói tạt vào quần áo, đầu tóc mình.

Đã có luật, nhưng chưa phạt nghiêm

Điều 11 của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm việc hút thuốc lá nơi công cộng. Tại điểm a, khoản 1, điều 23, nghị định số 176/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt người hút thuốc lá tại nơi cấm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Luật đã có nhưng nhiều người vẫn công khai hút thuốc ngay tại những nơi có panô, băngrôn tuyên truyền.

Vào bệnh viện vẫn thấy tàn thuốc vứt bừa đây đó. Nhiều người còn hút thuốc trong khuôn viên, có khi ở ngay đầu hành lang các dãy phòng bệnh. Ra đường, tàn thuốc vứt khắp nơi, ở miệng cống, lối đi công viên, cạnh thùng rác... 

Có nhiều điếu thuốc hút một nửa bị vứt xuống lòng đường khi vẫn còn bốc khói. Tôi không hiểu sao người ta có thể ứng xử tệ đến mức không thèm dụi tắt điếu thuốc trước khi bỏ đi. Chuyện này, đáng buồn cũng xảy ra ở nhiều công sở, còi báo cháy bao lần vang lên vì khói thuốc ai đó dụi chưa tắt.

Ai cũng hiểu khói thuốc, tàn thuốc gây hại cho sức khỏe con người. Việc hút thuốc, bỏ tàn còn đang cháy bừa bãi ra đường hoặc tiện tay vứt bỏ tàn thuốc vào nơi có thể có xăng, giấy hoặc vật dễ cháy có thể gây cháy nổ.

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, trong năm 2019 bến xe buýt Sài Gòn đã xử phạt 114 người hút thuốc lá nơi công cộng với số tiền phạt là 58,5 triệu đồng, đồng thời cũng nhắc nhở hàng ngàn trường hợp khác. Đây vẫn là một con số khá "khiêm tốn" với thực tế người người ngang nhiên hút thuốc mọi nơi hiện nay.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phạt nghiêm theo luật định đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Không chỉ dừng ở chuyện nhắc nhở hay cảnh cáo mà nên quyết liệt xử lý ngay. 

Đồng thời cần xử lý nghiêm minh hành vi của những người ngồi xe máy, ôtô nhả khói, vứt tàn thuốc trên đường. Biện pháp nhắc nhở tuyên truyền giờ đã "không ăn thua", chỉ nên phạt nghiêm mới có thể đủ sức răn đe người vi phạm, mới mong giảm khói thuốc nơi công cộng, khi đó luật mới có tác động thay đổi xã hội.

Tại sao chúng tôi phải hít khói thuốc?

Luật không cấm hút thuốc. Nhưng luật đã quy định những nơi không hút thuốc. Nhiều người cho rằng không ai cấm hút thuốc ngoài đường nên vô tư hút. Vậy ai nghĩ đến quyền lợi của trẻ em, người già, phụ nữ có thai và bao người không hút thuốc? Tại sao họ phải hít khói thuốc, phải chịu đựng tàn thuốc?

Tôi đi nước ngoài thấy nhiều nước cấm hút thuốc ngoài đường phố và họ phạt rất nghiêm, rất nặng. Ở đó, người đi đường không phải hít khói thuốc và cũng không có tàn thuốc rơi ngoài đường.

Những ai hút thuốc xin mời vào không gian dành riêng cho họ và họ chỉ được phép hút thuốc ở đó. Theo tôi, nước ta cũng cần có quy định như vậy, đồng thời với việc tăng nặng mức xử phạt hành vi hút thuốc nơi bị cấm. Có như vậy môi trường sống sẽ sạch hơn, xã hội văn minh hơn.

NGỌC TƠ

​Chế tài thế nào với hút thuốc lá nơi công cộng? ​Chế tài thế nào với hút thuốc lá nơi công cộng?

TTO - Bạn đọc ủng hộ đề nghị hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang của Bộ Y tế.

MINH VŨ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên