Mỹ có thể giúp Israel chống Hezbollah
Theo tạp chí Asia Times, sau khi nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine Hamas tấn công Israel hôm 7-10, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều đã đích thân bay đến Israel. Riêng ông Blinken đến Israel hai lần, vào các ngày 12 và 16-10.
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa đến Israel ngày 18-10. Theo Ngoại trưởng Blinken, chuyến thăm Israel của Tổng thống Biden diễn ra "vào thời điểm quan trọng đối với Israel, khu vực và thế giới", trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza leo thang.
Những động thái trên cho thấy rõ lập trường sát cánh cùng đồng minh Israel của Washington.
Không chỉ các chuyến thăm nhà nước, đến nay Mỹ đã huy động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu sân bay lớn và hiện đại nhất của hải quân Mỹ, đến khu vực phía đông Địa Trung Hải, gần lãnh thổ Israel.
Ngày 14-10, nhóm tác chiến thứ hai, dẫn đầu bởi tàu USS Dwight D. Eisenhower, cũng đã được điều đến hỗ trợ Israel.
Không dừng ở đó, Washington còn tăng cường sự hiện diện trên không của mình trong khu vực với việc điều một loạt cường kích A-10 và tiêm kích F-15E. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không nói rõ những máy bay này sẽ đậu tại căn cứ nào.
Tạp chí Asia Times khẳng định Mỹ có căn cứ quân sự ở Jordan, Iraq và Syria. Từ những căn cứ này, không quân Mỹ có thể dễ dàng tấn công nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.
Ngay sau khi Tel Aviv bắt đầu không kích đáp trả cuộc tấn công của Hamas, nhóm Hezbollah được cho là đã tấn công lãnh thổ phía bắc Israel, nhằm "tỏ lòng đoàn kết với người dân Palestine".
Nhiều nguồn tin khẳng định Mỹ đã thuyết phục Israel không tấn công Hezbollah, bằng cách cam kết sẽ bảo vệ nhà nước Do Thái khỏi lực lượng này.
Để làm điều đó, dòng cường kích A-10 được xem là phương tiện hoàn hảo để "dọn dẹp" các căn cứ tên lửa của Hezbollah.
Nga có lý do để kêu gọi hòa bình
Khác với Mỹ, đến nay Nga đã nhiều lần kêu gọi hai bên ngừng bắn. Ngày 13-10, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh các bên giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình.
Ông Putin cũng khẳng định Matxcơva sẵn sàng đóng góp vào việc này khi Nga có quan hệ tốt với cả hai.
Một phần không nhỏ mong muốn không leo thang xung đột của Nga đến từ việc nếu cuộc chiến giữa Israel và Hamas mở rộng, Syria khả năng cao sẽ thành chiến trường. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến các căn cứ không quân và hải quân của Nga tại đây.
Đến nay, quân đội Israel đã hai lần ném bom vào các đường băng tại Damascus và Aleppo để ngăn Hezbollah đưa tên lửa do Iran sản xuất vào Syria.
Tel Aviv tin rằng Iran đang muốn cung cấp tên lửa tầm xa có độ chính xác cao nhằm nhắm vào các vị trí phòng thủ và cơ quan chính phủ chủ chốt của Israel.
Iran, một nước khác có quan hệ gần gũi với Nga, cũng là điểm nóng xung đột. Đến nay, phía Iran có vẻ muốn giảm bớt sự hiện diện của mình nhằm không tạo cớ cho Israel tấn công các cơ sở hạt nhân và cơ sở phát triển tên lửa tầm xa của mình.
Tuy nhiên, là đồng minh lớn của Hamas, phía Iran hoàn toàn có thể bị kéo vào xung đột lần này.
Nếu điều đó xảy ra, Matxcơva sẽ là một trong những lực lượng hiếm hoi thuyết phục Iran không trực tiếp tham chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận