Lan tỏa lối sống xanh đến các bạn trẻ là một trong những hoạt động được Thành đoàn TP.HCM tổ chức trong thời gian qua. Trong ảnh: học sinh, đội viên tham gia trồng cây xanh tại sân Trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.HCM - Ảnh: K.ANH
Gắn bó từ những ngày đầu thực hiện, ông Nhựt cho rằng kết quả đạt được trong cuộc vận động này có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn đó những hạn chế cần phải thay đổi.
* Sau hai năm thực hiện chỉ thị 19, ông đánh giá đã có những chuyển biến tích cực gì và những hạn chế nào cần phải khắc phục?
- Ông Nguyễn Minh Nhựt: Qua hai năm thực hiện, thành phố có nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả khích lệ, giải quyết được nhiều vấn đề vệ sinh môi trường. Tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân, nâng cao mỹ quan đô thị. Các hoạt động này được đông đảo người dân quan tâm, hưởng ứng. Nhiều mô hình sáng tạo được triển khai thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là các hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, khu phố, ấp, tạo sự chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng có những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tôi nghĩ người dân nên đặt tâm thế cùng chính quyền thực hiện chuyện này thì mới hiệu quả. Câu chuyện về môi trường là câu chuyện chung của mọi người. Các quốc gia phát triển muốn thực hiện được công tác bảo vệ môi trường họ phải mất 30 năm, 40 năm, có khi nhiều hơn nữa. Thành phố mình mới bắt đầu khoảng 5 năm gần đây, đòi hỏi cần phải có sự kiên trì và những quyết sách đúng đắn, quyết liệt.
* Theo ông, để cuộc vận động này hiệu quả thì thành phố, các sở ngành và UBND cấp địa phương phải phối hợp như thế nào?
- Sự phối hợp trơn tru, liên tục, ăn khớp của các sở ngành và UBND các quận, huyện là yếu tố quyết định sự hiệu quả của cuộc vận động.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Sở Nội vụ là những cơ quan quan trọng để tham mưu cho thành phố thực hiện các công việc liên quan. Từ đó, UBND TP đã ban hành được bộ tiêu chí và quy trình công nhận khu phố, ấp, phường, xã sạch, không xả rác ra đường, kênh rạch để các quận huyện căn cứ vào đó mà thực hiện.
Còn đối với UBND quận, huyện tổ chức đối thoại, vận động các hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. Hiện nay các quận, huyện có triển khai phần mềm trực tuyến, trong đó có tiếp nhận phản ánh của người dân về môi trường để xử lý. Ngoài ra còn một số hoạt động khác như lắp đặt trên dưới 30.000 camera để giám sát nhiều lĩnh vực, trong đó có giữ gìn vệ sinh môi trường, giải tỏa các điểm đen về ô nhiễm môi trường. Mô hình thí điểm về tập kết rác ở khu vực bán kính đi bộ khoảng 20m, 30m cũng được thí điểm ở một số địa phương…
* Vậy theo ông, đâu là yếu tố quyết định để việc thực hiện chỉ thị 19 trong thời gian tới đạt được hiệu quả tốt nhất?
- Tôi nghĩ rằng phải nên thể chế hóa luật bằng nhiều cách, luật không kịp thì thông qua nghị quyết của HĐND, từ đó cụ thể hóa, xin thí điểm. Như chúng ta biết tại Singapore xả rác bị phạt 500 USD, và việc xử phạt sẽ thông qua camera nhận diện gương mặt, phạt xong đưa lên truyền thông.
Về lực lượng chức năng giám sát, xử phạt, ngoài chính quyền địa phương, thành phố sẽ giao về cho đội quản lý trật tự đô thị thực hiện. Tuy nhiên hiện chưa ban hành các quy định để bổ sung chức năng, nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường vào quy chế tổ chức và hoạt động của đội quản lý trật tự đô thị, vấn đề pháp lý này cũng cần sớm được hoàn thiện…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận