09/07/2022 08:19 GMT+7

Ngăn tín dụng đen với thẻ tín dụng

BÔNG MAI - THẢO THƯƠNG
BÔNG MAI - THẢO THƯƠNG

TTO - Con ốm, nhà hết gạo, đến ngày đóng tiền trọ nhưng chưa đến ngày nhận lương, tiền đã cạn..., nhiều công nhân đánh liều vay nóng và sa chân vào bẫy tín dụng đen. Nhưng nếu có một thẻ tín dụng nội địa, công nhân sẽ tránh được cạm bẫy này.

Ngăn tín dụng đen với thẻ tín dụng - Ảnh 1.

Nhân viên của ngân hàng tư vấn mở tài khoản ngân hàng cho người dân ở Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Viện Công nhân và công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số (tương đương gần 15 triệu người), 27% lực lượng lao động, nhưng đóng góp tới 70% ngân sách và 65% GDP.

Tuy nhiên đời sống công nhân còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng. Và trong lúc túng quẫn, nhiều công nhân đã sa vào tín dụng đen.

Tín dụng đen bủa vây công nhân

Trên bức tường ở một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), cùng với hàng loạt bảng quảng cáo bằng các tờ giấy A4 được dán chi chít, là một mẩu quảng cáo khá ấn tượng: "Cho vay tiền - Giải ngân sau một nụ cười".

Chúng tôi liên hệ tới số điện thoại trên tờ quảng cáo, một người đàn ông bắt máy cho biết chỉ cần có chứng minh nhân dân sẽ được vay tiền liền.

"Bên đây cho vay tiền, nhưng phải trả theo ngày", người này nói. Chẳng hạn, muốn vay 10 triệu, mỗi ngày phải trả 500.000 đồng trong vòng 25 ngày, lãi 2,5 triệu đồng, tương đương lãi suất 30%/tháng, hay 360%/năm. Vay nóng ở những "ngân hàng cột điện", "ngân hàng xóm trọ"... trở thành một hoạt động quen thuộc với không ít công nhân, lao động nghèo.

Muốn tìm chỗ vay nóng cũng rất đơn giản, vì thông tin và số điện thoại liên hệ đều được dán khắp nơi, từ cột điện, tường các nhà dân xung quanh khu công nghiệp, đến hộp đựng khăn giấy/gạt tàn thuốc của quán cơm lề đường, hay các bức tường ở tận dãy trọ công nhân ở... Thông thường, những chỗ cho vay này đều áp lãi suất từ 30 - 40%/tháng.

Chị Tường Vy (29 tuổi, một công nhân tại Bình Dương) cho biết nhằm khi túng quá, chưa tới kỳ lãnh lương, không vay được người thân nên công nhân buộc phải vay nóng.

"Vợ chồng mình xoay xở để kịp trả nên không sao. Nhưng chị chồng mình vay chỗ lãi cao quá không trả nổi, phía cho vay điện một ngày cả chục cuộc để đòi nợ, quấy rối, hết số này đến số kia, rồi tới nhà chửi bới", chị Vy chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Sương (công nhân da giày, TP.HCM), người từng là nạn nhân của tín dụng đen, cho biết trong một lần đi đón con nhưng gặp trời mưa, điện thoại bỏ trong cốp xe. "Khi về tới nhà mới biết bọn cho vay nóng gọi điện nạt nộ chồng mình, mẹ mình để đòi tiền, trong khi mình đứng tên vay, cũng chưa tới thời hạn trả mà đòi giựt ngược như ai ôm tiền của họ chạy mất", chị Sương kể.

Tại buổi đối thoại vào giữa tháng 6 vừa qua, thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết có tổ chức tín dụng đen áp lãi suất lên tới 90 - 100%/tháng, có lãi suất lên tới 700 - 1.000%/tháng.

Trong khi đó, theo quy định, trường hợp cho vay lãi trên 100% có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo số tiền thu lợi bất chính mà có thể áp mức phạt lên tới 3 năm tù.

Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc liên quan đến tín dụng đen với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.

Cũng theo ông Lương Tam Quang, thủ đoạn được các đối tượng cho vay thường xuyên sử dụng khi đòi nợ là "đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM...".

Mong công nhân sớm có thẻ tín dụng

Dữ liệu khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% vay từ những tổ chức tín dụng và tài chính chính thức, còn lại vay cá nhân hoặc tín dụng đen.

Theo ước tính, tín dụng phi chính thức (gồm tín dụng đen), nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng. Một điểm chung của tín dụng đen là lãi suất "cắt cổ" so với quy định pháp luật.

Ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho biết khi công nhân sa vào tín dụng đen, không chỉ gia đình và chính công nhân đấy bị ảnh hưởng, mà cả doanh nghiệp cũng bị liên lụy. Không ít lần phòng nhân sự tổng vụ nhận các cuộc gọi do bên đòi nợ điện tới, nói lời nặng nề, chửi rủa.

Bản thân ông Kim Hồng cũng bị liên lụy với những cuộc gọi như vậy. Để góp phần hỗ trợ công nhân tránh nhúng chân vào tín dụng đen, từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp này đã kết hợp với Tổ chức tài chính vi mô CEP để triển khai chương trình cho công nhân vay vốn với lãi suất 7,8%/năm, tương đương 0,65%/tháng.

Trung bình mỗi tháng lượng tiền cho công nhân vay khoảng 1,5 tỉ đồng, tháng cao điểm như cận Tết 2022 vừa rồi con số cao hơn là gần 2,6 tỉ đồng.

"Có gần 2.000 công nhân chính thức đang làm việc tại công ty, chỉ cần đủ điều kiện là cho vay, không giới hạn. Lúc trước công nhân phải làm việc ở công ty 3 năm trở lên mới được vay, nhưng bây giờ hạ xuống chỉ cần làm gần 2 năm đã được vay nhanh chóng", ông Kim Hồng nói và mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp nhằm giúp công nhân tránh xa được cạm bẫy tín dụng đen.

Chủ tịch công đoàn một công ty may tại Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng đối tượng hoạt động cho vay tín dụng đen nhắm đến là công nhân, như quảng cáo cho vay tiền, phát tờ rơi tại các khu công nghiệp.

Trong khi đó, với tâm lý "cần tiền gấp" để trả tiền trọ, đóng tiền học cho con, chữa bệnh..., nhiều công nhân nhắm mắt làm liều, vay tiền lãi nặng rồi mất khả năng trả nợ vì "lãi mẹ đẻ lãi con" .

Để giúp công nhân tránh xa tín dụng đen, theo vị này, công đoàn cơ sở đã liên hệ với các tổ chức tài chính chính thống có uy tín, trong đó có Tổ chức tài chính vi mô CEP. Thời gian qua, công nhân đã thực hiện hơn 1.000 lượt vay để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học...

"Tôi mong công nhân có thẻ tín dụng với thủ tục đơn giản, có thể giúp công nhân xoay xở trong những lúc ngặt nghèo mới tránh xa được chuyện vay nóng, hay dính vào tín dụng đen", vị này nói.

Ông Ngô Thành Đô (trưởng ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Thủ tục phát hành thẻ phải đơn giản

Thời gian qua, dư luận vẫn thường xuyên lên tiếng cảnh báo tín dụng đen nhưng do không ít công nhân cần tiền gấp, thiếu tiền mà tìm đến những "bẫy" vay có tiền ngay, có tiền liền. Không đòi được nợ, những người cho vay truy tìm chỗ làm của "con nợ" để uy hiếp chủ tịch công đoàn hoặc quản lý công ty để đòi nợ.

Để chống tín dụng đen là phải gia tăng tài chính cho công nhân. Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn ngân hàng mở thẻ tín dụng, tăng khoản tài chính để người lao động sử dụng, để công nhân có thể hoạch định tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, khi mở thẻ tín dụng cho công nhân, phải cho mở đồng loạt chứ không thể chứng minh thu nhập lương, mới tin tưởng công nhân rồi mở thẻ. Cái này là rất khó.

Còn khi triển khai phổ biến, ngân hàng cần mở thẻ với hạn mức thấp nhất 10 - 15 triệu đồng để công nhân có thể giải quyết được nhu cầu đột xuất. Với mức này phù hợp với đối tượng công nhân, số tiền sẽ được sử dụng đúng mức lại vừa phù hợp với xu hướng không sử dụng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân (tổng giám đốc Quỹ CEP, Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Thời gian qua, chúng tôi có các chương trình để giúp công nhân "né" tín dụng đen như tập trung hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho công nhân vay, tuyên truyền những tác hại của tín dụng đen, đăng ký các khoản vay trực tiếp, phát triển cộng đồng, học bổng cho con công nhân để chia sẻ gánh nặng tài chính.

Là tổ chức xã hội phi lợi nhuận gắn trực tiếp với người lao động nghèo và công nhân, chúng tôi có các hoạt động cho vay khẩn cấp, cho vay sửa chữa nhà cửa, vay tự tạo việc làm, tăng thu nhập... với lãi suất thấp nhất.

Quỹ CEP cũng tập trung hỗ trợ vốn cho công nhân tại các khu công nghiệp Bình Tân, Tân Hiệp, Đa Phước, các khu công nghiệp trên địa bàn.

Quỹ CEP cũng vừa thành lập các điểm giao dịch ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vì thực trạng tín dụng đen nằm ngay trong công ty, phân xưởng.

Nếu có thêm thẻ tín dụng nội địa và tuyên truyền cho công nhân, đồng thời quản lý chi tiêu sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong công nhân.

Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen

KTM quaApp

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu có giải pháp hỗ trợ tài chính, công nhân sẽ không sa vào bẫy tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ ngày 15-4-2019 đến 14-4-2022, TP.HCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen, trong đó đã khởi tố 112 vụ với 268 bị can. Ngoài ra, có 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng.

Đây là một trong những nội dung tại báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tín dụng đen, vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Công an.

Theo đó, nổi lên trong thời gian gần đây là số băng nhóm tội phạm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc vào TP.HCM hoạt động cho vay tại các khu vực đông dân cư, núp bóng các doanh nghiệp (dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính...) được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn.

Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, có liên quan đến tín dụng đen có những thay đổi, chuyển hướng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, luôn có nhiều cách để đối phó với cơ quan chức năng như: cho vay qua app, website...

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác, có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... có thể bị sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.

Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp. Một số băng nhóm hoạt động núp bóng công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại... ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả cách, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế (ký giấy mượn nợ 5%/tháng nhưng thực tế lên đến 20%, 30%/tháng).

Các băng nhóm trên nhắm vào các khu vực đông dân cư, khu vực nhiều công nhân, sinh viên, khu vực tập trung nhiều hộ kinh doanh nhỏ... để có thể lôi kéo được nhiều người vay tiền. Nạn nhân trong các vụ việc cho vay lãi nặng khi làm việc với cơ quan công an thường có thái độ lo ngại do các đối tượng cho vay khống chế, đe dọa.

MINH HÒA

Công nhân kêu khổ giữa ‘bão giá’ và tín dụng đen ‘khủng bố’ Công nhân kêu khổ giữa ‘bão giá’ và tín dụng đen ‘khủng bố’

TTO - Ngày 23-6, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh với hơn 150 công nhân, người lao động đại diện cho 66.000 lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công nhân than bão giá bủa vây.

BÔNG MAI - THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên