09/10/2014 14:48 GMT+7

Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương.

Trình bày của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho thấy cân đối ngân sách quốc gia đã đến hồi báo động - Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Dũng, việc cân đối ngân sách rất căng thẳng. 

Ông Đinh Tiến Dũng cho hay: “Năm 2013 do kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương tăng cao nên để bố trí chi đầu tư phát triển cao hơn bội chi ngân sách nhà nước thì đã phải bố trí chi trả nợ thấp hơn mức yêu cầu đồng thời phải kết hợp với phát hành đảo nợ khoảng 40.000 tỷ đồng”.

“Năm 2014, nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỷ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách nhà nước. Năm 2015 và vài năm tới ngân sách còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội” - ông Dũng nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải hạn chế ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đi chi hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...

Do cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 như nêu trên nên chưa bố trí được ngân sách cải cách tiền lương, không có điều kiện điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích: “Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không đảm bảo như nghị quyết Quốc hội đề ra. Cải cách tiền lương không được thực hiện được như lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước”.

“Đây là dấu hiệu không lành mạnh, đòi hỏi phải kiểm soát rất thận trọng, chặt chẽ các khoản vay và trả nợ để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia” - ông Hiển nêu quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách.

Sốt ruột hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo lắng: “72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển vừa trả nợ vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tính toán lại bài toán thu - chi.

“Cân bằng thu - chi, thu lấy mà chi, không phát hành (thêm tiền) để chi, không vay quá nhiều để chi... Làm sao để có tích lũy mà tiêu dùng, làm ra có của ăn phải có của để chứ. Bây giờ mình ăn hết rồi thì lấy đâu mà đầu tư. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào. Cái bài toán đó các đồng chí phải tính chứ” - ông nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không tăng lương với mấy ông đang đi làm này thì tôi các đồng chí cũng kêu gọi tinh thần cán bộ công nhân viên chức thì còn được, nhưng các cụ về hưu, những người có công với cách mạng mà các đồng chí nói không giải quyết gì cả thì sao được. Các đồng chí phải tính lại cơ cấu chi, tôi lấy ví dụ chi thường xuyên cho Văn phòng Quốc hội là 100, thì ông phải dành một khoản để giải quyết lương, ông không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì ông phải giải quyết lương thấp cho cái người thu nhập có hai, ba triệu đồng/tháng”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên