TTCT - Giảm chi tiêu thường xuyên 10%, như có thể đọc trên báo chí, là một mục tiêu được lòng dân của Chính phủ ở thời điểm khó khăn chung này. Tuy nhiên, câu hỏi là có thể còn trông đợi mức tiết kiệm hơn thế nữa không, do lẽ đại dịch hai năm qua, nhất là nửa năm rồi, mà giờ vẫn chưa kết thúc và xã hội chưa hồi phục, sẽ đòi hỏi Nhà nước căn cơ hơn trong chi tiêu để có thể bảo bọc dân chúng hơn nữa? Thú thật, đọc những tin như “Xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với dự toán năm 2021 trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng ôtô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách...” (Tạp chí Tài Chính 24-9-2021), vào thời điểm cuối tháng 10 này, cảm nhận chung là lẽ ra phải giảm chi hơn thế. Ảnh: Business Standard Mốc 10%Sở dĩ nói như vậy là bởi mức “tiết kiệm tối thiểu 10%” kia là mục tiêu đã lặp đi lặp lại hàng thập niên, khó thể hiện sự chuyển biến rõ rệt với các “kế hoạch thực hành tiết kiệm” vốn được triển khai hằng năm hằng tháng ở hầu khắp các cấp, các ngành mà nếu trước kia là cần thiết, thì giờ là bắt buộc, trong bối cảnh thu ngân sách năm nay chắc khó lòng như ý muốn.10 năm trước, cũng vẫn là mục tiêu tương tự: “Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì... sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011” (baochinhphu.vn, 12-10-2011). Có nhiều vấn đề cần đặt ra trong câu chuyện cứ chỉ giảm 10% chi tiêu thường xuyên này.Đầu tiên, làm thế nào mà trong một năm thực sự tan tác mọi mặt vì đại dịch như năm nay, vẫn chỉ trông mong giảm 10% chi tiêu thường xuyên mà thôi? Liệu tỉ lệ yêu cầu giảm đó có tính đến hơn một quý giãn cách mà tại nhiều tỉnh thành lớn nhất nước, các cơ quan nhà nước hoạt động ở mức thấp hơn và nhiều doanh nghiệp không có doanh thu (Tuổi Trẻ 30-8-2021: “Cục Thuế TP.HCM cho biết số thu trong 26 ngày của tháng 8 đạt 14.871 tỉ đồng, tương đương khoảng 572 tỉ đồng mỗi ngày, bằng 91,98% so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình dịch kéo dài như hiện nay, khả năng cao TP.HCM sẽ không cán đích thu ngân sách năm nay”; và: “Với tình hình giãn cách kéo dài để chống dịch như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động, thua lỗ... thì khả năng số thu quý 3 và quý 4 năm nay sẽ khá thấp”). Với một hộ gia đình bình thường trong mùa dịch, ngay khi gặp phải những khó khăn về thu nhập do bị giãn cách, không được và không thể đi làm, họ chắc chắn phải tính lại việc chi tiêu. Cũng xin đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm chi thường xuyên và chi tiêu công để vực dậy kinh tế. Chi tiêu công nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cần hướng vào những việc có thể giúp tăng năng suất chung cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, giáo dục bậc cao, đào tạo nghề, y tế... Chứ việc mua sắm công như xe hơi, tổ chức hội nghị... không giúp tăng thêm năng suất, mà chỉ là sự lãng phí nguồn lực xã hội. Ở đây cũng có thể so sánh với một hộ gia đình. Thu nhập giảm, thì những đồng tiền ít ỏi còn lại cần được để dành dự trù cho những lúc khó khăn, đau yếu, để học một nghề chuyển đổi công việc, để sắm chiếc xe tốt chuyển qua chạy shipper công nghệ, chứ không ai xách tiền đó đi mua hàng hiệu, sắm điện thoại thông minh đời mới!Cơ quan nhà nước hẳn cũng cảm nhận khó khăn như người dân, nên mới có những mệnh lệnh về tiết kiệm. Nhưng trong hoàn cảnh năm nay, những mệnh lệnh đó phải quyết liệt và khắt khe hơn, chứ không thể “vũ như cẩn” khi mà ngân sách chống dịch đang hụt, còn nguồn thu thì có nguy cơ teo tóp dần.Có cảm giác 10 năm qua, việc thực hành tiết kiệm vẫn chỉ mang tính phong trào, chứ chưa thành một thứ ý thức tự giác trong bộ máy. 10 năm trước các phòng họp đầy rẫy kiểu ghế bàn mới “giả cổ châu Á” chạm trổ rồng bay hổ vồ. 10 năm sau, thời thượng là màn hình QLED bò từ dưới đất lên tới trần nhà. Rồi đến những bộ ly uống rượu Tây mà ngay cả ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay Thượng - Hạ viện Mỹ cũng không phục vụ.Năm nay, khi mà người dân đương nhiên phải tự “khóa miệng”, “khóa bóp tiền” không mua sắm, ngay cả những người có tiền cũng không mua xe như năm ngoái (tin của TTXVN 11-9-2021: “Tính chung 8 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA [Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi VN] tiêu thụ tổng cộng 175.400 xe các loại, giảm 13% so với 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19)"). Nhà nước, trong 3-4 tháng giãn cách và hoàn cảnh giật gấu vá vai hiện giờ, thì việc “hạn chế tối đa mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền” lẽ ra phải là đương nhiên, khỏi ai nhắc nhở, và phải nhiều hơn cái mức 13% của dân chúng xài tiền túi nói ở trên, chứ không phải 10% như biết bao năm qua. Tương tự, lệnh cho các cấp “tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...” rõ ràng không mang lại cảm nhận thực hành tiết kiệm thiết thực và quyết liệt.Tương tự, ngay cả trong mùa dịch, tư tưởng xây tượng đài vẫn chưa nguôi. Mới đây, một ông nghị lại hô hào xây tượng đài “vinh danh tuyến đầu”. Có lẽ đã đến lúc Nhà nước nhận ra rằng nay đại dịch hàng triệu người phải “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí về quê bằng hai chân, cần dứt khoát ngừng chuyện xây tượng đài, để dứt khoát xóa sạch những thói “có xây, có ăn”, giảm tiêu cực, như Hội nghị Trung ương vừa rồi mới bổ sung nhiệm vụ. Một tượng đài được xây dựng trong lòng người quan trọng hơn nhiều những hoành tráng phô trương vội vã.Cuối cùng, không dám lạm bàn về nên chọn giải pháp là chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa, chỉ xin góp một ý: khi khủng hoảng càng sâu rộng, cụ thể số người thiếu ăn càng nhiều, sức mua càng giảm trong khi giá cả càng tăng, bất cứ biện pháp nào của Nhà nước, thậm chí là những ý nghĩ bất chợt, cũng tác động ngay lên hành vi của dân chúng và qua đó tác động lên tài chính, thị trường.Làm gì làm, có lẽ cũng cần giáo dục nhau một bài học của Jacques Attali trong L’Anti-Economique (Phản kinh tế, Nhà xuất bản PUF 1974): 5 thang bậc cần cân nhắc khi chi tiêu: (1) cái không thể thiếu được; (2) cái cần thiết; (3) cái hữu ích; (4) cái thoải mái; và (5) cái sang trọng. Cái nào là “cái không thể thiếu được” cho hàng triệu người dân đang “vỡ trận COVID”? Khi các quốc gia tiếp tục chiến đấu chống COVID-19, các gói kích thích kinh tế đã được tung ra liên tục, nhưng cái giá phải trả là tổng nợ công toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 100% tổng GDP thế giới trong năm 2020, ở mức 19,5 nghìn tỉ USD, theo Viện Tài chính quốc tế.Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các khoản vay mượn sắp tới sẽ là không tránh khỏi với các chính phủ để chi trả cho những chương trình triển khai vắc xin COVID-19, cũng như các chương trình phúc lợi xã hội do giãn cách có thể còn kéo dài.Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tổng nợ công của các nền kinh tế phát triển sẽ vượt xa quy mô nền kinh tế của họ, ở mức 125,5% GDP vào năm 2020. Với các nước đang phát triển, nợ công của các nền kinh tế thu nhập trung bình và đang phát triển tại châu Á năm 2020 là 63,7%.Cuối tháng 8-2021, Nghị viện Thái Lan đã phê chuẩn ngân sách hằng năm 3,1 nghìn tỉ baht (93 tỉ USD) cho năm tài khóa tính từ tháng 10. Ngân sách đó giảm 5,8% so với mức 3,29 nghìn tỉ baht của năm nay và đặt mức thâm hụt là 700 tỉ baht (4% GDP). Chi tiêu cho nhiều bộ, bao gồm quốc phòng, giáo dục và tài chính bị cắt giảm để dành thêm tiền cho việc khống chế đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Chính quyền Thái Lan nhận nhiều chỉ trích trong việc xử lý đại dịch với tổng số ca nhiễm là gần 1,8 triệu và hơn 18.000 ca tử vong. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cho năm nay đưa ra vào tháng 5 là 1,5 - 2,5%, nhưng đã được điều chỉnh chỉ còn 0,7 - 1,2%, theo cơ quan kế hoạch kinh tế chính phủ. Tags: Tiết kiệmNgân sáchKinh tếTiêu điểmChi tiêu công
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).