Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là quy định sáu trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng.
Theo đó, ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có ba trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.
Cần làm rõ giữa giám sát tăng cường và can thiệp sớm
Nêu quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình cần có quy định để tránh nguy cơ tan vỡ của tổ chức tín dụng. Theo luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị cảnh báo, giám sát, kiểm soát đặc biệt là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng dự thảo hiện chưa có đánh giá để làm rõ tương quan giữa giám sát tăng cường và can thiệp sớm; chưa có biện pháp kiểm soát đặc biệt để nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các bên liên quan.
“Để tránh nguy cơ đổ vỡ kéo theo dây chuyền là rất nguy hiểm, cần quy định can thiệp sớm với tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước. Nếu để xảy ra trường hợp phải can thiệp sớm mà chưa có biện pháp xử lý từ đầu thì thế nào?" - ông Hòa nói.
Theo đó, từ vụ việc SCB vừa qua, đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện các khoản đầu tư. Đồng thời, quy định cần làm rõ việc rút tiền hàng loạt ở mức độ nào sẽ cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo sự minh bạch, cân đối kịp thời.
Đồng tình, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị dự thảo cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt theo hướng có thời hạn cụ thể. Xây dựng phương án tương ứng nếu tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng đây là điểm mới trong dự thảo, được xây dựng từ thực tiễn. Trên thực tế, việc can thiệp sớm có khó khăn và khó triển khai, khi quy định hiện hành về can thiệp sớm chỉ áp dụng một năm và không có biện pháp hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi ngân hàng khó khăn về thanh khoản
Thêm nữa, bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ được sử dụng khi ngân hàng phá sản. Các tổ chức tín dụng dù đã có hỗ trợ trong trường hợp rút tiền hàng loạt, như vụ việc SCB vừa qua, nhưng cũng gặp vướng mắc nhất định.
“Luật chưa quy định cụ thể nên các tổ chức tín dụng cũng không dám cho vay, vì liên quan đến rủi ro. Vì vậy, luật thiết kế theo hướng huy động nguồn lực hỗ trợ, tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng với an toàn hệ thống nói chung, giảm chi phí của cơ quan quản lý trong xử lý sự cố của các tổ chức tín dụng” - bà Hồng nói.
Theo đó, dự thảo đã quy định biện pháp hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi tổ chức tín dụng bị khó khăn về thanh khoản.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, từ bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã.
Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế, thống đốc nhấn mạnh không phải chờ tổ chức tín dụng khó khăn thanh khoản mới xử lý. Dẫn chứng từ trường hợp hai ngân hàng của Mỹ, nợ xấu thấp chỉ dưới 1%, có lãi liên tiếp ít nhất từ năm 2010 đến nay, song vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt.
"Với phát triển công nghệ, người dân có thể ngồi nhà rút tiền bằng điện thoại, chỉ trong vài ngày ngân hàng bị rút tới hơn 100 tỉ USD và các ngân hàng phải hỗ trợ.
Ngân hàng bình thường, có thể có lý do nào đó vẫn có sự cố rút tiền hàng loạt, nên sẽ đưa vào quá trình can thiệp sớm" - bà Hồng nói và cho biết thêm những trường hợp kiểm soát đặc biệt là khi ngân hàng đã rất khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận