Nhiều lao động trẻ kê khai thông tin làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giảm số năm đóng
Theo nhiều bạn đọc, để bảo đảm quyền lợi người lao động, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Luật bảo hiểm xã hội phải sửa đổi theo hướng giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội.
Điều này phù hợp với lựa chọn của nhiều bạn đọc trong thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, khi đa số đều chọn phương án thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội nên là 10 - 15 năm.
- Giảm số năm đóng còn 15 năm thì phải giảm số được nghỉ hưu xuống chứ, nếu không giảm thì càng làm khó người dân thôi. Ví dụ đóng bảo hiểm từ năm 30 tuổi tới 45 tuổi thì đủ 15 năm không rút được nữa, mà từ 45 tuổi đến 60 tuổi mà người lao động không còn đủ sức khỏe lao động thì sống bằng không khí để chờ đến 60 tuổi? (Bạn đọc Nam Tu)
- Cái quan trọng là giảm tuổi hưởng lương hưu khi đóng đủ năm thì cứ né tránh không nói. Có tăng lên đóng 25 năm mới được hưởng hưu mà tuổi nghỉ hưu giảm xuống cũng được. (Hùng)
- Quan trọng là tuổi nghỉ hưu cao quá, người lao động không chờ nổi nên phải rút một lần, điều chính thì không thấy bảo hiểm nhắc đến. (Linh Nguyễn)
- Đóng 15 năm đối với người lao động họ đã thấy dài, và cố gắng đóng để hưởng lương, nhưng lại bắt người lao động chúng tôi đợi 20 năm, hơn cả thời gian đóng. Vấn đề mấu chốt ở đây là giảm số tuổi hưởng lương hưu quan trọng hơn là giảm thời gian đóng.
Vì qua đợt Covid vừa rồi, sức khỏe của chúng tôi suy giảm rất nhiều, vì vậy liệu chúng tôi được bao nhiêu người đủ sức khỏe làm đến 60 tuổi. Còn bảo chúng tôi chốt sổ và chờ đến 20 năm, vậy trong 20 năm đó chúng tôi lấy gì để sinh sống. Mong Nhà nước có cái nhìn thiết thực hơn và hiểu được mong muốn của người dân chúng tôi. (Bình Yên)
- Tôi thấy tuổi nghỉ hưu cao quá, nên giảm tuổi nghỉ hưu. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân ở tuổi trên 40 đến 55 tuổi. (Bạn đọc Quoc Luan)
Lương hưu phải đủ sống
Theo nhiều bạn đọc, khoản lương hưu mà người lao động đóng bảo hiểm xã hội nhận được hiện nay đang ngày càng còm cõi, không đáp ứng được mức sống cơ bản. Vì thế, để người lao động gắn bó lâu dài với bảo hiểm xã hội, cần thay đổi cách tính lương hưu.
- Nên thay đổi cách tính lương hưu là ổn ngay - hãy đừng bảo thủ. Chỉ nên có một mức lương cho tất cả tuổi nghỉ hưu của những người đóng bảo hiểm, già rồi cần đủ sống, chứ không đủ sống đóng bảo hiểm để làm gì? (Nguyễn Duy Tuấn)
- Tôi thường tự hỏi BHXH Việt Nam tại sao không thay đổi theo hướng tăng quyền lợi cho người đóng thay vì khư khư tư duy tăng kiểm soát miễn sao thu cho đủ cho gọn. Tại sao không nghĩ cách giúp thụ hưởng dễ dàng, thủ tục nhanh gọn mà lại chọn rào chụp xử lý doanh nghiệp đóng không đủ. Tại sao doanh nghiệp đóng không đủ thì có quy định xử lý, còn việc hành người dân lấy hưu hoặc lấy BHXH không đúng không trọn vẹn thì chẳng thấy một quy định xử lý thỏa đáng.
Điều kế tôi muốn góp ý đó là tại sao BHXH không quản trị như các công ty bảo hiểm đa quốc gia, tại sao không cho người đóng được rút một phần tiền đóng mà bên công ty bảo hiểm hay gọi là tiền ứng trước, sau đó người dân thu xếp được thì trả lại và cộng thêm phí tương ứng. (Đức Nguyên)
- 1. Cần nâng mức đóng BHXH lên cao hơn bằng cách đóng trên mức lương thực lãnh hằng tháng của người lao động.
2. Có biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp trốn, nợ, né đóng BHXH.
3. Cách tính lương hưu khối lao động ngoài nhà nước là dựa trên mức lương bình quân cả quá trình đóng BHXH có nhân với hệ số trượt giá, tuy nhiên bảng hệ số trượt giá này quá thấp không phù hợp, cần xem xét lại.
4. Làm sao để người lao động khi đủ điều kiện về hưu nhận mức lương hưu đảm bảo cuộc sống thực tế, mức lương hưu thấp nhất cũng bằng mức lương tối thiểu vùng tại từng thời điểm. (Bạn đọc Tuong)
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM học tập trong thư viện trường - Ảnh: THÁI SƠN
Thưởng Tết đồng đều, ai cũng ấm lòng
Câu chuyện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thưởng Tết cùng một mức giống nhau từ tạp vụ tới hiệu trưởng đều 20 triệu đồng/người nhận được nhiều ngợi khen của bạn đọc.
Lãnh đạo nhà trường cho biết: "Mức thưởng này giống nhau từ hiệu trưởng đến lao công, không phân biệt vị trí, công việc bởi hằng tháng, lương của mỗi người đã khác nhau".
Bạn đọc Nông Văn Tuấn bình luận: "Đây là một cách làm rất hay. Thực tế thì các chức vụ đều có mức thu nhập tương xứng với tính chất công việc rồi nên tiền thưởng như nhau tạo cảm giác công bằng cho người lao động".
Nhiều bạn đọc khác nhận xét cách làm của nhà trường rất đáng trân trọng vì mang ý nghĩa nhân văn lớn, thể hiện tâm và tầm của ban lãnh đạo. Bạn đọc tên Hiếu mong ước: "Cầu mong các trường khác cũng thưởng như vậy, người tạp vụ cảm thấy ấm lòng, thể hiện vị lãnh đạo có tâm".
Chung nỗi xúc động, Hoài Anh bộc bạch: "Rất hoan nghênh trường làm việc có ý nghĩa. Bao giờ các cơ quan và doanh nghiệp của ta làm được như này?".
Trong khi đó, nhìn vào câu chuyện ấm lòng trên, bạn đọc tên Hát nhớ tới việc thưởng Tết lòng vòng ở trường mình:
"Trường tôi cũng tại TP.HCM. Việc thưởng phải qua thành tích mà thành tích gồm tối thiểu nhiệm vụ bốn lĩnh vực chung của giáo dục đại học và vượt qua bốn vòng xét duyệt từ bộ môn đến ban giám hiệu, sau đó chọn ra số lượng còn lại theo tỉ lệ giống như phân bổ kế hoạch...
Lúc đó sẽ ra mức thưởng theo xếp hạng từ trên xuống của mỗi nhóm đối tượng được thưởng cao nhất đến thấp dần. Xem ra quy trình rất minh bạch theo định hướng năng suất làm việc nhưng khi đi vào chi tiết mới thấy nhiều sự việc thiếu công bằng, thiếu khách quan, không phù hợp thực tiễn giữa khối hành chính và khối giảng dạy và giữa nhóm lãnh đạo với nhóm người lao động".
Thăm dò ý kiến
Để bảo đảm quyền lợi người lao động đồng thời hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, theo bạn thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội cần giảm dần xuống bao nhiêu năm?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận