24/03/2017 11:08 GMT+7

Ngăn rượu độc phải quản methanol?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Một lượng lớn methanol được tuồn ra ngoài thị trường để pha chế rượu có chủ đích, song việc quản lý, kiểm soát hiện nay lại rất bất cập.

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu có methanol tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Việt Dũng
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu có methanol tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Việt Dũng

Mức độ ảnh hưởng của rượu methanol không còn là nhỏ lẻ nữa. Y tế chỉ là khâu giải quyết cuối cùng, nếu trước đó khâu quản lý không ngăn chặn được thì sẽ còn có nhiều người chết. Cũng không thể bắt người dân phải “thông thái” mãi, mà cơ quan quản lý phải có trách nhiệm

Ông Nguyễn Trung Nguyên

Hội thảo “Ngộ độc rượu methanol: thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát tổ chức ngày 23-3 đã chỉ ra thực trạng trên.

Tự do bán cồn methanol

Ông Nguyễn Phú Cường, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công thương, cho biết ở nhiều địa phương mỗi lít rượu bán ra với mức giá rất rẻ từ 10.000 - 12.000 đồng/lít. Nếu không pha chế methanol với tỉ lệ nhất định thì không thể có mức giá như trên.

Theo quy định, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Do vậy, nếu sản xuất và phân phối cần phải được cấp giấy chứng nhận, ghi đầy đủ tem nhãn, thành phần... Nhưng trên thực tế, rượu pha chế với cồn công nghiệp methanol vẫn thoải mái xuất hiện.

Bà Phan Thị Kim, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, chất vấn rằng tại sao một sản phẩm hóa chất độc hại, chỉ được dùng trong sản xuất công nghiệp và y tế nhưng vẫn được bày bán tự do ngoài thị trường?

Bà Kim cũng cho rằng cần phải rà soát, bổ sung lại quy định pháp luật hiện nay trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu. Văn bản ban hành đã đầy đủ, nhưng thực tế lại chưa có quy định về quản lý, tiêu chuẩn liên quan đến rượu pha chế. Đại diện của Viện Tiêu chuẩn, chất lượng Việt Nam cũng thừa nhận hiện nay chưa có quy định đối với rượu pha chế, rượu truyền thống.

Ca ngộ độc tăng nhanh

Ông Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trước đây các vụ ngộ độc methanol rất ít, nhưng thời gian gần đây đã tăng nhanh lên. Dẫn chứng là từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện này đã điều trị 34 ca, chủ yếu là do uống rượu có chứa methanol. Nhiều trường hợp bị tổn thương não, biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, cho rằng những vụ ngộ độc rượu cấp tính gần đây chỉ là bề nổi. Bởi đằng sau đó là hàng triệu người có thể bị ngộ độc mãn tính, tức là sẽ tác động từ từ đến sức khỏe con người mà chưa đánh giá đầy đủ được. Do đó, cần cấm tuyệt đối sử dụng cồn công nghiệp, quản lý chặt chẽ không để tiêu thụ methanol trên thị trường.

80% rượu trôi nổi vô can?

Ông Đinh Đăng Hiếu, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), cho biết có tới khoảng 70- 80% rượu trên thị trường là rượu trôi nổi, không có nguồn gốc nên rất khó kiểm soát và xử lý. Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ cồn y tế, cồn công nghiệp, chứ không phải chỉ “hô hào” chung là đã có văn bản quy định rồi, nhưng thực tế lại “không ai nhắc nhở”.

Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng khi lấy 10 mẫu rượu methanol được sản xuất tại các hộ gia đình, thì tất cả đều cho thấy lượng methanol được sử dụng trong ngưỡng giới hạn cho phép. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng ngộ độc rượu methanol không hoàn toàn là do rượu người dân tự nấu, pha chế mà nằm ở chỗ sử dụng methanol một cách có chủ đích, sản xuất quy mô lớn.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết mới chỉ ra quân từ đầu tháng nhưng đã tịch thu gần 80.000 lít rượu không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát, cho rằng việc quản lý hóa chất thuộc trách nhiệm của Cục Hóa chất - Bộ Công thương. Trên thực tế người dân vẫn sản xuất, buôn bán các loại rượu tự pha chế, chứa độc tố methanol vượt ngưỡng cho phép. Thậm chí có trường hợp vượt ngưỡng đến 1.000 lần.

Tuy nhiên tại cuộc họp này, mặc dù có tới 5 đại diện của Bộ Công thương tham dự nhưng lại không có đại diện nào của Cục Hóa chất, cũng như cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều dấu hỏi về trách nhiệm quản lý vẫn đang bị bỏ ngỏ...

Nhiều chuyên gia đề nghị không những phải có chế tài thật nặng, mà cần yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép. Ông Phan Chí Dũng, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho biết tới đây sẽ từng bước thay đổi trong quản lý, thiết lập quản lý rượu làng nghề, địa phương.

Kiểm tra chất lượng rượu làng nghề

Ngày 23-3, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bắc Ninh đã đến kiểm tra chất lượng rượu tại làng nghề Đại Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Trao đổi với đoàn kiểm tra, các hộ gia đình làm nghề nấu rượu cho hay họ có đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra chất lượng, nhưng hầu hết sản phẩm rượu Đại Lâm đều chưa được công bố hợp quy, không nhãn mác, cơ sở sản xuất chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm. Làng nghề Đại Lâm hiện có hàng trăm hộ nấu rượu quy mô hàng ngàn lít rượu/tháng/hộ, sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc.

LAN ANH

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên