22/05/2012 18:57 GMT+7

Ngăn rửa tiền: cần "hàng rào" chắc chắn hơn

  NGUYỄN VIỄN SỰ
  NGUYỄN VIỄN SỰ

TTO - Đây là băn khoăn mà đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu tại buổi thảo luận về dự thảo Luật phòng chống rửa tiền tại phiên toàn thể của Quốc hội vào chiều 22-5.

Theo đại biểu Đương, “hàng rào” pháp lý về phòng chống rửa tiền trong dự thảo còn khá mỏng. Cụ thể là chưa có quy định thế nào là hành vi rửa tiền, khi dự thảo luật không liệt kê được hành vi rửa tiền. Trong khi Luật phòng chống tham nhũng thì liệt kê rõ 12 hành vi rất cụ thể.

zKKfUG9A.jpgPhóng to
Đại biểu Đỗ Văn Đương - Ảnh: Việt Dũng

“Nếu không nêu được hành vi thì làm sao có thể phòng và chống có hiệu quả được”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Đại biểu Đương cũng nêu ra một bất cập khác: dự thảo chỉ mới điều chỉnh hành vi rửa tiền thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi thực tế có rất nhiều cách: đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, chứng khoán… Quy định như vậy giúp nhiều hành vi rửa tiền dễ bị “lọt lưới”.

“Có phải vì thế mà Cục Phòng chống rửa tiền đã thành lập năm năm nay vẫn chưa phát hiện được vụ nào. Theo tôi, nên quy định lại”, đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị.

Một ý kiến khác cũng được các đại biểu quan tâm là kiến nghị đưa thêm đối tượng là cán bộ cấp cao người Việt Nam và đối tượng phòng chống rửa tiền.Theo đại biểu Đỗ Bá Thuyền (Lâm Đồng), ngoài đối tượng điều chỉnh là cá nhân có ảnh hưởng chính trị (là những cá nhân được giao phó chức năng công nổi bật tại nước ngoài) người nước ngoài thì cần đưa thêm các đối tượng là cán bộ cấp cao người Việt Nam vào đối tượng điều chỉnh.

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) cũng cho rằng đối tượng điều chỉnh trong dự thảo Luật phòng chống rửa tiền hiện nay đang dựa theo quy định của Tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền. Theo đại biểu Nhã, chúng ta nên có quy định riêng về đối tượng để vừa phù hợp với tình hình thực tế trong nước và cũng là thể hiện sự tự chủ khi ban hành luật.

thM515OO.jpgPhóng to
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng quy định về những giao dịch từ 200 triệu đồng trở lên phải được ngân hàng báo cáo để kiểm soát việc rửa tiền là cứng nhắc. Theo đại biểu Kiêm, không nên có mức cố định trong luật mà tùy vào từng thời điểm sẽ có những mức giá trị tiền giao dịch phải báo để phù hợp với giá trị và yêu cầu thực tế.

Về những quy định bảo vệ cho người cung cấp thông tin rừa tiền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng điều 29 trong dự thảo có quy định “Đối tượng báo không được tiết lộ thông tin về việc đã báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc các thông tin có liên quan đã báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” là chưa đầy đủ.

Theo đại biểu Nghĩa, phải bổ sung thêm quy định nơi nhận báo cáo cũng không được tiết lộ thông tin đã nhân và thông tin về người báo cáo. Bởi “sự thành công của luật nằm ở chỗ người báo cáo phải được bảo vệ”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Còn có những điều luật “chỏi” luật

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu điều 28 của dự thảo luật về miễn trừ trách nhiệm pháp lý nêu các cơ quan, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin theo quy định của luật này sẽ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về các trường hợp quy định về bảo đảm bí mật thông tin.

Nếu quy định như vậy, các luật sư sẽ rất khó khăn trong khi hành nghề. Bởi lẽ Luật luật sư lại quy định luật sư không được tiết lộ thông tin.

Đại biểu Trần Thị Dung (Tiền Giang) cho rằng việc giải thích từ ngữ ở điều 4 trong dự thảo là chưa chuẩn. Theo đó, điều 4 giải thích: Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.

“Giải thích như vậy vô tình quy đồng tất cả các hành vi chiếm hữu tài sản đều là rửa tiền. Theo tôi là chưa chuẩn, cần nghiên cứu và giải thích lại”, đại biểu Trần Thị Dung kiến nghị.

  NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên