Nông dân dỡ bao tải lúa trong mùa thu hoạch tại tỉnh Aceh, Indonesia - Ảnh: AFP
Ông Widodo nói trong một cuộc họp nội các trên truyền hình rằng dự án này rộng gần 800.000ha và dự kiến sẽ trồng lúa, sắn và ngô cho quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới.
Dự án nhằm "chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới do đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, cũng như hạn chế sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu".
Giai đoạn đầu đã bắt đầu ở tỉnh Bắc Sumatra (đảo Sumatra) và Trung Kalimantan (phần lãnh thổ phía đông đảo Borneo).
Dự án có thể mở rộng đến ba khu vực nữa ở Indonesia: tỉnh Nam Sumatra, tỉnh Papua và tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Thông báo của tổng thống khiến các nhóm bảo vệ môi trường tức giận, theo hãng tin AFP.
Họ cho rằng các dự án như vậy chủ yếu khai thác khu vực đất than bùn và làm tăng khả năng cháy rừng.
Đầu tháng này, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Indonesia đã cảnh báo việc chuyển đổi đất đầm lầy giàu carbon sang đất nông nghiệp có thể gây ra thảm họa môi trường.
"Kể từ năm 2015, hơn một phần tư triệu hecta rừng than bùn đã bị đốt cháy ở tỉnh Trung Kalimantan", tổ chức cho biết.
"Trong khi cộng đồng khoa học đang thúc giục chúng ta bảo vệ đất than bùn để ngăn chặn biến đổi khí hậu thì chính phủ lại ủng hộ kế hoạch biến vùng đất này thành một quả bom carbon."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận