Bé Đỗ Thị Kim Ngân bị cha mẹ đánh được hàng xóm chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn |
Nhiều nghiên cứu cho thấy tác nhân của tình trạng này đa số là những người thân cận với các em, trong đó có cha mẹ, những người xa lạ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Chẳng hạn như trong báo cáo của Viện Nghiên cứu gia đình Úc (AIFS) năm 2011 cho thấy có 55,5% trẻ em được hỏi cho biết đã từng bị cha ruột/cha dượng của mình bạo hành và 25,9% bị bạo hành bởi mẹ ruột/mẹ kế của mình, trong khi những người khác chỉ chiếm 13,7%.
Tình trạng trẻ em bị bạo hành phần lớn đều xuất phát trong bối cảnh gia đình của các em là một trong những đặc điểm gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn ngừa.
Câu chuyện bé 4 tuổi bị cha mẹ bạo hành vừa qua là một trường hợp điển hình: em bị cha mẹ đánh đập, hành hạ từ lâu nhưng những người xung quanh không thể phát hiện. Chỉ đến khi trên người em có quá nhiều thương tích thì hàng xóm mới nghi ngờ và báo cho chính quyền.
Do đó, để ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị bạo hành trong bối cảnh gia đình, chúng ta cần phải có những giải pháp riêng và một trong những giải pháp được các nước phát triển áp dụng là “thăm và tư vấn gia đình”.
Đó là một phương pháp dựa trên nguồn lực của cộng đồng để ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bạo hành bởi gia đình. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khi áp dụng chương trình này tại cộng đồng đã kéo giảm trung bình khoảng 40% số vụ trẻ em bị lạm dụng, bạo hành bởi các thành viên trong gia đình của các em.
Khi thực hiện chương trình này, những gia đình có nguy cơ bạo hành trẻ em như những gia đình trẻ, gia đình mới sinh con lần đầu, gia đình có tình trạng kinh tế - xã hội thấp, gia đình sống trong các khu vực nghèo khổ, những cặp vợ chồng không chính thức hoặc thường xuyên sử dụng các chất gây nghiện... sẽ được nhà tư vấn như nhân viên công tác xã hội đến thăm định kỳ và tư vấn, hướng dẫn họ cách nuôi dạy con cái.
Việc thăm và tư vấn này ngoài ý nghĩa tư vấn ra còn là một cách thức để phát hiện sớm và ngăn ngừa những hành vi lạm dụng, bạo hành mà các thành viên trong gia đình có thể thực hiện đối với con cái của họ.
Ở VN, mặc dù đã có luật về bảo vệ trẻ em nhưng chưa hình thành những cơ chế, những chương trình cụ thể để áp dụng trên thực tế nhằm bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị bạo hành từ người lớn. Mọi việc gần như chỉ dựa vào lòng tốt, sự can đảm của những người sống trong cộng đồng, bởi chính quyền địa phương chỉ chú ý đến những hiện tượng “lớn” chứ ít chú ý đến vấn đề trẻ em bị lạm dụng, bạo hành trong gia đình.
Vì vậy sau những sự kiện này, chúng ta cần nghiêm túc đề ra và thực hiện những chương trình ngăn ngừa trên thực tế, bởi nếu trừng phạt hay bỏ tù những người bạo hành trẻ em chỉ là cách giải quyết hậu quả chứ không phải là cách tốt để ngăn ngừa nạn bạo hành trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận