01/05/2016 15:20 GMT+7

Ngẩn ngơ với bộ tượng điêu khắc Óc Eo

THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)
THÁI LỘC ([email protected])

TTO - Người yêu nghệ thuật và các nhà chuyên môn cùng ngỡ ngàng và thừa nhận triển lãm Di sản văn hóa nghệ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam vừa khai mạc ở Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế là triển lãm “bom tấn”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho hay đang tìm cách lý giải thế đứng lạ của Phật Thích Ca ở bức tượng này - Ảnh: Thái Lộc
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho hay đang tìm cách lý giải thế đứng lạ của Phật Thích Ca ở bức tượng này - Ảnh: Thái Lộc

Có dịp đi nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, tôi thấy đây là bộ sưu tập tư nhân rất độc đáo, gần như đầy đủ dáng tượng Phật Thích Ca cũng như các vị bồ tát, các vị thần Hindu giáo rất quý hiếm!

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Trong số 76 hiện vật tại triển lãm, đặc biệt có 27 tác phẩm điêu khắc từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 12 thuộc nền văn hóa Óc Eo của nhà sưu tập Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM), lần đầu “trình làng”...

Phật đứng thế như... người mẫu!

“Phật chi mà lạ rứa! Phật mà tạo dáng như người mẫu!” - nhiều tín đồ nhà Phật ở Huế nhận xét có phần thảng thốt khi đứng quanh bức tượng Quán Thế Âm và tượng Thích Ca tại triển lãm. Song, điều mà nhiều người “thảng thốt” hơn cả đó là vẻ đẹp tuyệt mỹ toát lên trên tất cả các bức tượng ở đây.

Sự tập trung chú ý đặc biệt của quan khách là bức tượng Phật Thích Ca đứng lệch hông, phô trọn vẹn thân hình khỏe mạnh trong lớp cà sa mỏng. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết dáng tượng tương tự không thể tìm thấy trong kinh điển của Phật giáo Bắc tông. Cạnh đó, bức tượng Quán Thế Âm bận dohti (một loại trang phục truyền thống Ấn Độ) chỉ che phần dưới, để hở bộ ngực căng mọng tuyệt đẹp, kể cả phần rốn và eo thon.

Một bức tượng bắt mắt khác, thể hiện đức Phật Thích Ca ngồi trên đài sen ở tư thế rất kỳ lạ, một chân để thõng xuống dưới.

Bức tượng thể hiện đức Phật Thích Ca ngồi trên đài sen với một chân để thõng xuống dưới - Ảnh: THÁI LỘC
Bức tượng thể hiện đức Phật Thích Ca ngồi trên đài sen với một chân để thõng xuống dưới - Ảnh: THÁI LỘC

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là bức tượng cực hiếm, nếu không nói là độc bản của văn hóa Óc Eo đến thời điểm hiện tại, thể hiện đức Phật khi đang ở cung trời Đâu Suất. Chân thõng biểu tượng chuẩn bị đản sinh xuống thế giới ta bà để viên mãn cõi vị giác ngộ. Cạnh đó là tượng Thích Ca thế đứng dang hờ đôi tay, khoác cà sa với một thân hình tuyệt đẹp...

Trong số 27 bức tượng cổ, ngoài tượng Phật giáo còn có nhiều hiện vật Hindu giáo, như Brahma, Shiva, Vishnu, Ganesha, Kalkin, Lakshmi, Durga, sinh thực khí nam (mukhalinga)... Tất cả đều mang nét chạm tuyệt đỉnh; các vị thần với nét mặt tươi sáng, thông thái và có hồn, đều được đánh giá đạt đến đỉnh cao bậc nhất của nghệ thuật điêu khắc Óc Eo.

PGS.TS Phan Thanh Bình - hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế - nói rất ngỡ ngàng khi lần đầu tiên chứng kiến bộ sưu tập văn hóa Óc Eo đầy đủ và đẹp lạ lùng như thế này.

Ông nói nhiều bức tượng nếu không giới thiệu thì không mấy ai nghĩ đó là Phật. Chỉ bức tượng Thích Ca đứng lệch hông, ông nói: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Phật Thích Ca kiểu này. Chắc chắn kiểu tượng này không thể có trong Phật giáo đại thừa Bắc tông. Rõ ràng bộ sưu tập góp phần bổ sung thêm cho những nhà nghiên cứu, kể cả giới phật tử ở Huế, kiến thức, sự đa dạng và phong phú của đạo Phật”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng sở dĩ nhiều người thấy tượng lạ là vì căn cứ theo kinh điển Phật giáo Bắc truyền sẽ không bao giờ có tượng Phật dáng đứng rất lạ tương tự.

Ông nói: “Lâu nay người ta thường quen với kiểu tượng với lớp cà sa rộng che kín thân được truyền từ phương Bắc. Trong khi văn hóa Óc Eo ở phương Nam, ảnh hưởng văn hóa/điêu khắc Ấn Độ, luôn thể hiện Phật là một nam nhân dáng hình khỏe mạnh, ngực nở eo thon như sư tử đực, đạt đến độ hoàn mỹ. Điều tương tự đối với Bồ tát Quán Thế Âm, những “vòng đo” tựa như người mẫu ngày nay. Và để thể hiện vẻ đẹp hình thể đó, các nghệ nhân xưa khắc tạc trang phục cà sa mỏng bó sát, để lộ tất cả đường nét và khối hình của cơ thể, điều mà dân gian thường gọi là y ướt (thấm nước - PV)!”.

Những cơ duyên thú vị

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn và bức tượng Quán Thế Âm độc đáo - Ảnh: THÁI LỘC
Ông Nguyễn Anh Tuấn và bức tượng Quán Thế Âm độc đáo - Ảnh: THÁI LỘC

Đối với nhiều người yêu nghệ thuật, được tận mắt xem bộ sưu tập cực kỳ quý giá lần đầu công bố là một cơ duyên hiếm có. Riêng với ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ nhân bộ sưu tập - thì mỗi bức tượng trong đó đều từng là một mối nhân duyên thú vị và bất ngờ.

Ông Tuấn kể: vào năm 2000, một người dân đào trong vườn cạnh con đường đi vào xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh lộ ra bức tượng Quán Thế Âm tư thế ở trần. Biết ông rành, người ta gọi ông đến xem. Đến nơi, ông như vỡ òa vì bức tượng quá đẹp. Ông cũng bất ngờ khi chủ nhân đồng ý nhượng lại trong một tinh thần hữu hảo.

Được sở hữu tượng quý, ông Tuấn quyết dồn công dồn của sưu tập tượng Óc Eo. Đến năm sau, 2001, ông Tuấn được tin một người dân ở huyện Cầu Ngang, Trà Vinh đào được bức tượng rất “lẳng lơ”, muốn ông đến xem. Khi xem qua, ông không ngờ được vì sao mình lại may mắn gặp tượng Phật lệch hông đặc biệt quý hiếm như thế.

Bởi vì kiểu tượng tương tự bằng đá trước đó được ghi nhận có một cái của Bảo tàng Kiên Giang, nhưng tượng ở bảo tàng lại nhỏ hơn. Cũng là mối nhân duyên khi chủ nhân đồng ý để ông thỉnh tượng về...

Thực ra, mối nhân duyên ấy cũng do chính ông Tuấn tạo nên, bởi trong giai đoạn làm cán bộ Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM (1991-2007), ông có điều kiện cọ xát rất nhiều với những dấu tích, hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ. Rất nhiều mối quan hệ với các nghệ nhân, người dân hay chùa chiền được kết nối.

Đặc biệt giai đoạn 2000-2002, ông được tham gia khóa tập huấn nâng cao kỹ năng sưu tầm hiện vật cho các bảo tàng khu vực phía Nam, do Hoa Kỳ tổ chức. Nhờ vậy mà những thông tin về hiện vật Óc Eo người dân đào được hoặc đang lưu giữ trong các nhà dân, chùa chiền đến với ông rất tự nhiên...

“Cọ xát nhiều, tôi nhận thấy điều rất đặc biệt: nếu so sánh tượng cùng thời ở Campuchia và một số nước lân cận thì tượng Óc Eo ở VN có nhiều điểm độc đáo đặc biệt, nhất là chi tiết tạo hình tinh vi hơn hẳn!” - ông Tuấn nhận xét.

Tượng Phật Thích ca có dáng như… người mẫu -  Ảnh: THÁI LỘC
Tượng Phật Thích ca có dáng như… người mẫu - Ảnh: THÁI LỘC
Một góc bộ tượng “bom tấn” điêu khắc Óc Eo - Ảnh: THÁI LỘC
Một góc bộ tượng “bom tấn” điêu khắc Óc Eo - Ảnh: THÁI LỘC

Một thông điệp khác từ bộ sưu tập, theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, là thể hiện Phật giáo đại thừa từ Ấn Độ lan truyền đến Đông Nam Á, trong đó có VN. Không như lâu nay người ta chỉ nghĩ Phật giáo đại thừa du nhập từ phương Bắc. Điều này chứng minh thông qua phù điêu A Di Đà trên đầu nhiều bức tượng Quán Thế Âm.

THÁI LỘC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên