TTCT - Qua hàng ngàn năm sống của loài người, chiếc mặt nạ đã bao lần đổi thay ý nghĩa, diện mạo, công năng... Nó đang trở thành một phụ kiện thời trang và rất có thể sẽ là một phần bắt buộc của trang phục thường ngày nếu kể từ đây, loài người phải chung sống vĩnh viễn với virus corona. Được sử dụng từ thời kỳ đồ đá, chiếc mặt nạ qua hàng thiên niên kỷ phát triển của nhân loại đã có những sự thay đổi công dụng bất ngờ.Từ chỗ là những vật được sử dụng cho những nghi lễ thờ tế từ thời đồ đá, những chiếc mặt nạ sau hàng ngàn năm lại trở thành đạo cụ trong các vở kịch, rồi trở thành một phần của các phục trang lễ hội. Khoảng 400 năm trước, mặt nạ bắt đầu có một công dụng mới: bảo vệ con người trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.Những chiếc mặt nạ đầu tiênNăm 1983, trong cuộc khai quật khu khảo cổ Nahal Hemar ở phía nam sa mạc Judean của Israel, các nhà khoa học tìm thấy trong một hang từng chứa hàng ngàn món đồ phục vụ việc cúng tế có những giỏ đan bằng thừng, hạt chuỗi bằng gỗ, vỏ sò, dao đá, sọ người trang trí bằng nhựa cây. Họ còn tìm được những mảnh vỡ của hai chiếc mặt nạ có dính ở mặt trong cả tóc của người đeo.Các phân tích khoáng chất xác định những chiếc mặt nạ này có tuổi lên đến 9.000 năm, là mặt nạ cổ nhất thế giới được tìm thấy. Một số mặt nạ có sự tương đồng về độ nhô của gò má, hõm thái dương, hốc mắt với các sọ người cũng tìm thấy trong hang, cho thấy mặt nạ đá mô phỏng gương mặt người quá cố và được dùng cho các buổi lễ thờ người chết. Có 15 mặt nạ đá nặng 1-2kg đã được thu thập suốt nhiều năm ở khu vực sa mạc Judean.Về công dụng của những chiếc mặt nạ thời tiền sử này, Debby Hershman, người từng tham gia cuộc khai quật Nahal Hemar và dành mười năm thực hiện nghiên cứu toàn diện đầu tiên về 15 mặt nạ đá, lý giải khi chuyển từ săn bắn hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi, con người - khi đó chưa có chữ viết - đã khẳng định quyền sở hữu đất đai từ việc thừa hưởng của cha ông bằng các nghi lễ thờ người quá cố và tái hiện hình ảnh tổ tiên.Nhưng đó có thể không phải là những chiếc mặt nạ đầu tiên của nhân loại. Có thể trước đó hàng ngàn năm, con người đã biết làm mặt nạ bằng vỏ cây, gỗ, da và những vật liệu này không thể tồn tại được lâu để các nhà khảo cổ khai quật.Điều ngạc nhiên là những chiếc mặt nạ tương tự mặt nạ đá Israel ngày nay vẫn đang được các cộng đồng dân cư bản địa ở châu Đại Dương và châu Phi sử dụng trong các lễ thờ tổ tiên.Một trong những chiếc mặt nạ cổ nhất thế giới được tìm thấy ở sa mạc Judean của Israel mô tả được cả bọng mắt, cho thấy đây là mặt nạ của một người già. (BBC)Mặt nạ từ lễ tế đến lễ hộiỞ các nghi lễ tôn giáo của Ai Cập cổ đại, quan tư tế thường đeo mặt nạ đầu thú hay đầu của các vị thần. Phổ biến nhất là mặt nạ thần chết Anubis hình đầu chó thường xuất hiện trong các tang lễ và được vẽ trên nhiều vách hầm mộ.Mặt nạ hình mặt người chỉ được dùng để phủ lên xác ướp với mục đích giúp linh hồn nhận ra cơ thể mình để nhập vào và sống lại. Mặt nạ xác ướp thường dân được làm bằng xơ papyrus hay vải lanh ngâm hắc ín, mặt nạ xác ướp hoàng gia được làm bằng vàng hay đồng mạ vàng, nổi tiếng nhất là mặt nạ của vị pharaoh chết trẻ Tutankhamun nay được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Ai Cập tại Cairo.Người Hi Lạp cổ đại dùng mặt nạ để diễn kịch. Có thể vì làm bằng vật liệu không bền, những chiếc mặt nạ kịch nghệ đầu tiên không thể tồn tại đến nay. Nhưng bằng chứng về chúng được ghi lại trên chiếc bình gốm Pronomos nổi tiếng có niên đại 400 năm trước Công nguyên, mô tả toàn cảnh sinh hoạt trong nhà hát và có cảnh các diễn viên cầm trên tay các mặt nạ.Chiếc bình gốm Pronomos nổi tiếng có niên đại 400 năm trước Công nguyên, mô tả toàn cảnh sinh hoạt trong nhà hát và có cảnh các diễn viên cầm trên tay các mặt nạ. (Museo Archeologico Nazionale di Napoli)Một chiếc mặt nạ kịch nghệ có niên đại thế kỷ 4-5 trước Công nguyên được tìm thấy ở Hi Lạp cho thấy sau phần miệng rộng có một loa đồng giúp phóng đại tiếng của diễn viên.Thế kỷ 16-18 ở châu Âu phổ biến hài kịch Commedia dell'arte của Ý sử dụng mặt nạ để thể hiện tính cách nhân vật. Loại hình này để lại một “di sản” tồn tại đến ngày nay chính là gương mặt nhiều màu sắc của các anh hề rạp xiếc, có khi là một mặt nạ, có khi là hình vẽ trực tiếp lên mặt.Mặt nạ kịch nghệ vẫn được dùng trong kịch Noh của Nhật Bản, và một biến thể khác của mặt nạ kịch nghệ là những khuôn mặt nhiều màu sắc được vẽ bằng màu trực tiếp lên da trong nghệ thuật hát bội của Việt Nam hay kinh kịch của Trung Quốc.Từ năm 1168, lễ hội Carnival được tổ chức ở Venice để ăn mừng chiến thắng của Cộng hòa Venice trước sự bành trướng của giáo trưởng Ulrich II of Aquileia đến từ một vùng nay thuộc miền bắc nước Ý.Mặt nạ trong lễ hội này được dùng không phải để che giấu danh tính, mà để che giấu tầng lớp, khiến cho mọi người dù quý tộc hay dân thường đều trở nên bình đẳng với nhau để tận hưởng không khí vui tươi. Đến nay, lễ hội hóa trang này đã được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.Mặt nạ chống nhiễm khuẩnSong song với việc được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn từ nhạc kịch, hài kịch đến ballet với nhiều dạng từ che nguyên mặt đến trùm kín đầu, rồi có khi chỉ che nửa mặt trên, chiếc mặt nạ từ thế kỷ 17 có thêm một chức năng mới: che chắn, bảo vệ con người trước những nguồn truyền nhiễm.Hình dáng đáng sợ nhất có lẽ là mặt nạ mỏ quạ được các bác sĩ sử dụng trong đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu hồi thế kỷ 17 (ảnh dưới).Bên trên bộ trang phục chống dịch bằng vải phủ dài đến chân là một chiếc mặt nạ có hình dạng mũ da trùm kín đầu và mặt, phần mắt được khoét lỗ và gắn thủy tinh để nhìn được ra ngoài, phần mũi miệng gắn mỏ dài và nhọn chứa nước hoa hay hương liệu để át mùi hôi thối và ngăn chặn việc truyền nhiễm qua đường không khí. Năm 1878, trong các bài viết đăng trên tạp chí Hospital Gazette và tạp chí Scientific American, bác sĩ A. J. Jessup ở New York đã đề xuất việc dùng mặt nạ cotton để hạn chế lây nhiễm dịch tả.Ông viết: “Một tấm lọc cotton được làm đúng cách và được đeo để che miệng và mũi hẳn sẽ ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm tồn tại trong không khí”. Bác sĩ Jessup dẫn ra các thí nghiệm ông đã thực hiện, nhưng ý tưởng của ông không được chú ý.Khi một trận dịch hạch thể phổi tấn công Mãn Châu năm 1910, triều đình Mãn Thanh đã bổ nhiệm bác sĩ Ngũ Liên Đức (Wu Lien-Teh, hay Goh Lean Tuck), trí thức Malaysia gốc Hoa được đào tạo ở Đại học Cambridge, phụ trách việc chống dịch.Bác sĩ Liên Đức - người sau này được đề cử giải Nobel y sinh (năm 1935) - đã tạo ra loại mặt nạ ngăn chặn lây bệnh qua không khí bằng cách dùng gạc lưới y tế loại lớn quấn ngang mặt, chèn bông dày ở phía trước mặt, buộc lại sau đầu. Đó là phiên bản đầu tiên của chiếc mặt nạ che nửa dưới khuôn mặt dùng trong y tế ở châu Á, được người Trung Quốc gọi là khẩu trang.Khẩu trang do bác sĩ Ngũ Liên Đức chế tạo.100 năm phát triển của khẩu trangĐến trận dịch cúm Tây Ban Nha 1918, mặt nạ che nửa mặt dưới hay khẩu trang đã được nhân viên y tế ở Mỹ đeo thường xuyên. Ở California, người ta có khẩu hiệu “Wear a mask or go to Jail” (Đeo khẩu trang hay vào tù). Ở Seattle, tất cả những người đi tàu điện đều phải đeo khẩu trang.Đến năm 1920, khẩu trang đã trở thành tiêu chuẩn của phòng mổ và 100 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều thiết kế khẩu trang với nhiều vật liệu khác nhau.Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã dẫn đến sự xuất hiện của khẩu trang chống bụi, lọc khí. Ấn Độ và Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển là nơi các loại khẩu trang này được sử dụng phổ biến.Khi khẩu trang trở thành một thứ được đeo hằng ngày, các nhà thiết kế Trung Quốc biến nó thành một món phụ kiện thời trang. Trong bộ sưu tập thu đông 2015 của nhà thiết kế Masha Ma hay bộ sưu tập Heaven Gaia được Xiong Ying giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris 2019, khẩu trang được thiết kế với hoa văn và màu sắc đi theo từng bộ trang phục.Sau gần nửa năm virus corona càn quét khắp thế giới, khẩu trang đang được hàng tỉ người sử dụng. Các nhà thiết kế châu Phi đã bắt đầu thiết kế các phụ kiện che mặt bằng chất liệu da tương đồng với túi xách hay bằng vải tương đồng với áo quần.Sophie Zinga, nhà thiết kế nổi tiếng của Senegal, dự đoán: “Tôi tin là trong hai năm tới, chúng ta sẽ phải thích nghi với việc chung sống cùng virus và các nhà thiết kế thời trang sẽ tích hợp khẩu trang vào từng bộ trang phục thành những chiếc mặt nạ thời trang”.Một trong những chiếc khẩu trang duyên dáng nhất thế giới có lẽ là những sản phẩm được nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa sản xuất ở một làng nghề phía Bắc Việt Nam, với chất liệu vải cotton ba lớp có thể cản được các giọt bắn, được trang trí bằng hoa văn thêu tay tinh tế và những màu sắc lộng lẫy huyền hoặc.Khẩu trang thêu hoa của nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa.(*) Tổng hợp từ National Geographic, Bloomberg, AP, Britannica... Tags: Dịch bệnhMặt nạChe mặtPhụ kiện thời trangLịch sử khẩu trang
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.