Tại Cần Thơ năm 2022, một người đàn ông trong tình trạng ngáo đá đã xông vào bệnh viện cướp xe cấp cứu, chạy loạn xạ trên phố, gây tai nạn và tấn công lực lượng chức năng. Tại Quảng Nam tháng 12-2022 cũng từng xảy ra một vụ án chết người, một thanh niên 25 tuổi trong tình trạng ngáo đá đã đâm chết một ông cụ dù giữa hai người không hề mâu thuẫn và cũng không quen biết.
Tháng 3-2023, một người có biểu hiện ngáo đá đã ra tay sát hại mẹ ruột dã man trên đường tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM. Mới đây, ngày 16-10-2023, một người đàn ông không mặc quần áo, biểu hiện như ngáo đá, tay lăm lăm hung khí trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP.HCM. Người này sau đó đã dùng dao chém loạn xạ nhiều người ở khu vực chợ Bàn Cờ, rồi tự sát.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, chín tháng năm 2023, số người nghiện ma túy đang quản lý tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. TAND các cấp tại TP.HCM đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 743 người, tổng số người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chín tháng năm 2023 hơn 5.800 người.
Thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy năm 2022, cả nước có hơn 262.000 người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Số người nghiện đang ngày càng trẻ hóa. Khảo sát tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng, độ tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên từ 16,4 - 17,3 tuổi.
Hiện nay, pháp luật hình sự đã bãi bỏ tội phạm về sử dụng ma túy. Người sử dụng ma túy không còn bị xem là tội phạm và không bị bắt buộc cai nghiện tập trung (nếu có nơi cư trú rõ ràng). Sự thay đổi này có những mặt tích cực nhưng cũng có mặt trái, bản thân người nghiện và gia đình không phải lúc nào cũng tự giác khai báo. Người nghiện sống tự do, xóm giềng ai biết mà đề phòng!
Thông tin về những vụ thảm án rúng động thời gian qua luôn khiến dư luận bàng hoàng. Những diễn biến tâm thần âm thầm của người nghiện có thể không có biểu hiện bất thường rõ rệt, đến khi họ gây án thì hậu quả lại vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt gây tội ác trong tình trạng "ngáo đá" nên xem là tình tiết tăng nặng trong khi xét xử vụ án hình sự.
Thực tế, công tác giám sát, quản lý đối với người nghiện chưa có hiệu quả tốt nhất. Sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục điều trị và gia đình còn khá lỏng lẻo. Điều này khiến người nghiện dễ dàng tái nghiện thậm chí nghiện nặng hơn.
Hiện tại cũng thiếu nhân sự chuyên trách lo việc đảm bảo quyền hòa nhập cộng đồng của người nghiện cũng như giám sát người nghiện ma túy tổng hợp.
Cần sớm có một cơ quan chuyên trách để quản lý và giám sát những người nghiện ma túy tổng hợp.
Ngoài việc lập danh sách, quản lý, giám sát thông thường, đơn vị này cần được phân quyền để xử lý nhanh khi xảy ra tình huống khẩn cấp (trấn áp, cách ly đối tượng khi có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác) để tránh gây ra hậu quả đau lòng cũng như có thẩm quyền đưa những người này vào các trung tâm điều trị, trại cai nghiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận