13/07/2016 14:30 GMT+7

Ngân hàng Xây dựng mất hơn 9.000 tỉ ra sao?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp nhận, tái cơ cấu và quản lý hoạt động của Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã đẩy ngân hàng này lún sâu vào nợ nần, thất thoát.

Ngân hàng VNCB vừa được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng - Ảnh: Q.Định
Sau thua lỗ, Ngân hàng VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào tháng 2-2015 - Ảnh: Q.Định

Dự kiến ngày 19-7, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ đưa ra xét xử đại án cố ý làm trái, cho vay trái quy định gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB) do bị cáo (51 tuổi - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh) và 35 bị cáo khác thực hiện.

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, gây lỗ nặng hơn

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh có quy mô hoạt động đa ngành nghề, Phạm Công Danh từng sở hữu khối tài sản lớn hàng ngàn tỉ đồng cùng nhiều dự án từ Hà Nội đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.HCM...

Với tham vọng có một ngân hàng để hỗ trợ các dự án kinh doanh và xây dựng bất động sản nên Phạm Công Danh đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản để thực hiện ý tưởng thành lập một ngân hàng này.

Tuy nhiên, đề xuất hình thành mô hình ngân hàng xây dựng không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận mà Ngân hàng Nhà nước chỉ đồng ý giao một ngân hàng yếu kém để nhóm cổ đông của Thiên Thanh tái cơ cấu.

Năm 2012, Trust Bank (Ngân hàng Đại Tín) do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ sở hữu 84,92% cổ phần được xác định rơi vào tình trạng khó khăn đặc biệt. Theo kết luận thanh tra ngân hàng này, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.854 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn  6.061 tỉ.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhóm cổ đông cũ (Phú Mỹ) chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện là ông Phạm Công Danh). Chủ trương này đã được Thủ tướng đồng ý phương án tái cơ cấu.

Từ cuối tháng 2-2013, ngân hàng này chính thức hoạt động dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới và ông Phan Thành Mai (45 tuổi) được bổ nhiệm làm tổng giám đốc.

TrustBank cũng được đổi tên là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - viết tắt VNCB.

Từ quá trình điều hành ngân hàng này, trên cương vị chủ tịch HĐQT, Phạm Công Danh đã có hàng loạt sai phạm trong việc vay, cho vay gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỉ đồng.

Hàng loạt sai phạm trong cho vay, điều hành Ngân hàng VNCB

Nhận một ngân hàng yếu kém và nợ nần, trong khi đó có những nhóm khách hàng vay tiền nhưng không trả, việc tái cơ cấu và quản lý hoạt động ngân hàng này của Phạm Công Danh tiếp tục đẩy ngân hàng này vào nợ nần, thất thoát trầm trọng hơn.

Theo cáo trạng, kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh điều hành hoạt động kinh doanh của VNCB thì đến tháng 7-2014, vốn chủ sở hữu đã âm 18.469 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả của ngân hàng này là 38.255 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ có 16.745 tỉ.

Việc "đi xuống" của VNCB, theo cáo trạng của VKSND tối cao, là do hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm.

Trong đó, rõ nhất là việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Công Danh khi lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỉ đồng VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỉ đồng từ VNCB để trả cho các hợp đồng khống này trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.

Sau đó dù không có lãi năm 2012 tại khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu Tập đoàn này cho ba công ty Thạch Hà,  An Lộc và Công ty Minh Quang trị giá 900 tỉ đồng từ nguồn tiền của Ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.

Khoản tiền này sau đó không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng VNCB.

Bên cạnh đó, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB.

Tất cả các hành vi trên của Phạm Công Danh và đồng phạm đã bị Viện KSND tối cao truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài tội danh trên, Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố vì hàng loạt vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong đó vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống với bà Nguyễn Thị Như Loan (chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) và nâng khống giá trị các lô đất tại Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 5.000 tỉ đồng, rút tiền mặt 4.700 tỉ đồng để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau... gây thiệt hại cho VNCB là 2.095 tỉ đồng.

Tổng hợp nhiều sai phạm trên, theo kết luận của cáo trạng, tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án hơn 9.000 tỉ đồng.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên