Ngân hàng này cũng được lệnh phải trả khoản tiền bảo lãnh hơn 1 tỉ euro trong vụ điều tra trốn thuế vốn từng khiến UBS gặp rất nhiều rắc rối ở Mỹ vài năm trước.
Phóng to |
Trụ sở Ngân hàng UBS ở Paris - Ảnh: bilan.ch |
Ngân hàng có trụ sở tại Zurich đối mặt với những cáo buộc rửa tiền và giúp các công dân Pháp trốn thuế trong giai đoạn 2004-2012, theo một quan chức giấu tên của văn phòng công tố Paris.
UBS cũng được lệnh trả khoản tiền bảo lãnh 1,1 tỉ euro (khoảng 1,5 tỉ USD). UBS chưa bình luận gì về vụ việc. Tin tức này, được Hãng AFP loan báo ngày 23-7, không có gì bất ngờ. Năm 2013, UBS cũng đã bị điều tra do nghi ngờ ngân hàng này cung cấp các dịch vụ tài chính bất hợp pháp cho những công dân Pháp để họ chuyển tiền ra nước ngoài. UBS đã bị phạt 10 triệu bảng vì vụ việc đó.
Ngân hàng của Thụy Sĩ đã gặp rắc rối với các chính phủ phương Tây vì cáo buộc trốn thuế trong vài năm qua. Đáng chú ý nhất, năm 2009 họ đạt được một thỏa thuận dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ danh tính các khách hàng của mình và trả khoản phạt 780 triệu USD để tránh bị truy tố hình sự. Ngân hàng này thừa nhận họ đã qua mặt Cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ khi giúp các công dân Mỹ trốn thuế.
Credit Suisse, đối thủ chính của UBS ở Thụy Sĩ, đã công bố ngày 23-7 rằng họ thua lỗ 779 triệu USD sau khi thừa nhận hồi tháng 5 có lỗi trong việc giúp công dân Mỹ trốn thuế và trả 2,6 tỉ USD tiền phạt.
Các ngân hàng UBS ở Pháp đã sử dụng cách tương tự ở Mỹ để tiếp cận các nhà đầu tư giàu có, theo báo chí Pháp. Họ cử người tới các sự kiện văn hóa và thể thao lớn, thiết lập quan hệ và sau đó đề xuất cung cấp dịch vụ trốn thuế.
Theo hệ thống tư pháp của Pháp, một cuộc điều tra chính thức được mở cho thấy các công tố viên tin rằng có đủ bằng chứng để ban bố một lệnh bắt hoặc truy tố hình sự, nhưng không có gì chắc chắn là UBS sẽ bị đem ra xét xử, và những vụ như thế này có thể kéo dài rất nhiều năm rồi phải bỏ dở.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên chiến với những kẻ trốn thuế ngay sau khi nhậm chức, dù cựu bộ trưởng tài chính của ông, Jerome Cahuzac, phải từ chức vì bị phát hiện có tài khoản riêng không khai báo ở Thụy Sĩ và Singapore.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực lớn từ các chính phủ phương Tây khác, Thụy Sĩ vẫn rất cương quyết trong việc bảo mật hệ thống ngân hàng của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận