Ông Kim Byoungho - chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực.
Trong đó HDBank đề xuất tái triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20.000 tỉ đồng triển khai trong năm 2023.
Đồng thời, HDBank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục để mở rộng sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai để giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Cùng đó là việc thúc đẩy cơ cấu các ngân hàng thương mại gắn với xử lý nợ xấu, tạo điều kiện để các ngân hàng này sớm hoàn thành tái cấu trúc góp phần nâng cao tính ổn định hệ thống Ngân hàng thương mại.
Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6% trong 6 tháng đầu năm, còn khá xa so với mục tiêu 15% cho cả năm 2024. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực gia tăng nhu cầu tín dụng nên ngân hàng triển khai nhiều giải pháp cấp tín dụng ra thị trường.
Chủ tịch VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên. Mặc dù việc giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi.
Theo đó, ông Vỹ đề nghị cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản; tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá...
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay đã chỉ đạo các ngân hàng công khai lãi suất trên website. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8-2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.
Trong đó, lãi suất cho vay khối ngân hàng tư nhân giảm khoảng 0,96%; hiện ở mức 9,17%, cao hơn toàn hệ thống và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Tăng trưởng tín dụng khối ngân hàng tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng tư nhân khoảng 44.000 tỉ đồng (nếu không tính 2 ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt là NH Đông Á và SCB) thì đạt khoảng 77.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Ông Dũng khẳng định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.
Các ngân hàng chủ động rà soát, nhận diện các rủi ro, sai phạm, triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, xử lý nghiêm túc, đúng quy định. Triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận