23/08/2008 17:56 GMT+7

Ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Nhiều hay ít?

Theo HUỲNH BỬU SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo HUỲNH BỬU SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Mười năm trước đây, số lượng ngân hàng hoạt động tại Việt Nam không kém là bao so với hiện nay. Năm 1997, cả nước có bốn ngân hàng quốc doanh, 51 ngân hàng cổ phần (bao gồm ngân hàng cổ phần nông thôn) và 23 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (kể cả ngân hàng liên doanh).

KS7nrTCH.jpgPhóng to
Tín dụng nông nghiệp và nông thôn được giao khoán cho mạng lưới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Ảnh: Giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank - Ảnh: Cẩm Phả
Mười năm trước đây, số lượng ngân hàng hoạt động tại Việt Nam không kém là bao so với hiện nay. Năm 1997, cả nước có bốn ngân hàng quốc doanh, 51 ngân hàng cổ phần (bao gồm ngân hàng cổ phần nông thôn) và 23 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (kể cả ngân hàng liên doanh).

Trong suốt mười năm, kể từ khi hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phải đối đầu với nguy cơ đổ vỡ vào năm 1997, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không cho thành lập mới bất cứ một ngân hàng thương mại cổ phần nào.

Đến tháng 5-2008, cả nước vẫn còn bốn ngân hàng quốc doanh (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vừa được cổ phần hóa, một ngân hàng quốc doanh khác được thành lập mới là Ngân hàng Chính sách), 36 ngân hàng cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh. Con số này cho thấy trong thời gian mười năm, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã giảm đi đáng kể do có một số bị phá sản hoặc bị rút giấy phép hoạt động, trong khi đó, số lượng ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam lại tăng lên khá nhiều, từ 23 đến 44 chi nhánh.

Tình trạng “ngân hàng hóa” còn thấp

Từ năm 2003 đến năm 2007, có 11 ngân hàng nông thôn được phép chuyển đổi thành ngân hàng đô thị và chỉ có hai ngân hàng đô thị được giấy phép mới. Suốt hơn một thập niên, trong khi GDP của Việt Nam tăng gấp đôi, số lượng ngân hàng hoạt động chỉ tăng 16,6%, trong đó ngân hàng quốc doanh không tăng, ngân hàng cổ phần giảm 29% (ngân hàng cổ phần nông thôn giảm trên 90%) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tăng 82,6%. Như vậy, nhận xét cho rằng số lượng ngân hàng thương mại hoạt động hiện nay là “quá nhiều” so với một đất nước có trên 80 triệu dân và một GDP khoảng 70 tỉ USD là chưa có sức thuyết phục cao.

Thái Lan có GDP khoảng 180 tỉ USD, dân số khoảng 65 triệu người, hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay có 34 ngân hàng (giảm gần phân nửa so với năm 1997 - từ 63 còn 34 - do khủng hoảng tài chính tiền tệ), trong đó có 16 ngân hàng nội địa và 18 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hệ thống ngân hàng thương mại Thái Lan có tổng tài sản Có trên 310 tỉ USD, trong đó 16 ngân hàng nội địa Thái có tổng tài sản Có 277 tỉ USD, gấp rưỡi GDP của Thái Lan (2004).

Để so sánh, tổng tài sản Có của 35 ngân hàng cổ phần Việt Nam là vào khoảng 400 ngàn tỉ đồng (25 tỉ USD), chỉ bằng 35% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên so sánh về mặt số lượng vẫn là khập khiễng vì các ngân hàng nội địa Thái Lan có mạng lưới hoạt động lớn gấp nhiều lần ngân hàng Việt Nam. Vào đầu năm 1997, chỉ riêng Krung Thai Bank và Thai Military Bank, hai trong số 16 ngân hàng nội địa Thái, đã có đến gần 1.000 chi nhánh hoạt động trên khắp nước. Trong khi đó vào năm 2008, tổng số lượng chi nhánh của ba ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của Việt Nam là ACB, Sacombank và Đông Á chỉ có 514 chi nhánh, không bằng số lượng chi nhánh của riêng Krung Thai Bank mười một năm trước đây (640).

Không có một tỷ lệ chuẩn tối ưu nào giữa số lượng người dân và số lượng ngân hàng, nhưng các nhà phân tích kinh tế đều nhận thấy rằng một nền kinh tế có nhiều hơn số lượng ngân hàng hoạt động lành mạnh trên số dân cư sẽ có cơ may phát triển nhanh hơn. Năm 1999, Mỹ có 8.011 ngân hàng thương mại, nắm giữ tổng tài sản Có lên đến 55,4 ngàn tỉ USD. Nhưng dù đứng ở góc nhìn nào, chúng ta đều có thể nhận thấy hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chưa “phủ sóng” được toàn nền kinh tế. Một dấu hiệu rõ rệt cho thấy ở Việt Nam, mức độ “ngân hàng hóa” còn rất thấp chính là tình trạng đôla hóa và tiền mặt hóa của nền kinh tế vẫn phổ biến quá mức. Tệ nạn này là trở lực lớn gây tác động tiêu cực đến hiệu quả của chính sách tiền tệ quốc gia và của việc huy động và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và nhàn rỗi trong dân cư.

Như vậy, vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải là ấn định một số lượng ngân hàng chuẩn và yên tâm rằng một số lượng ít sẽ được quản lý tốt hơn và sẽ ít gây ra đổ vỡ hơn. Vấn đề then chốt là phải xây dựng và phát triển mạnh mẽ một hệ thống ngân hàng hoạt động thật sự lành mạnh theo các chuẩn mực chuyên môn và đạo đức đúng đắn, được luật pháp quy định đầy đủ, rõ ràng, được thực thi nghiêm chỉnh và được giám sát nghiêm minh.

Hệ thống đó phải được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động rộng rãi khắp các cụm dân cư từ thành thị đến nông thôn, tạo ra những con kênh chằng chịt thu hút những đồng tiền tiết kiệm cho đầu tư phát triển, một mặt giúp cho đồng tiền tiết kiệm và nhàn rỗi của dân cư càng ít bị bất động hóa càng tốt, mặt khác đưa nguồn tín dụng cần thiết cho những người thật sự cần nó, không phải chỉ ở các thành thị mà còn ở các vùng nông thôn nghèo. Hệ thống ngân hàng thương mại của chúng ta từ ngày được sinh ra cho đến nay hầu như đang bị “đô thị hóa” hoàn toàn, và tình trạng đô thị hóa đó không phải vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế. Phải chăng chính hiện tượng này cũng là một tác nhân quan trọng làm tăng sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn?

Bỏ nông thôn, ôm đô thị

Trong thời gian qua, điều đáng buồn là hệ thống ngân hàng nông thôn trên cả nước gần như không còn tồn tại. Số liệu không chính thức cho thấy hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Đông Nam bộ chỉ còn một ngân hàng cổ phần nông thôn hoạt động cầm chừng. Trên thực tế, các ngân hàng nông thôn trước đây, tuy mang tiếng là ngân hàng nông thôn nhưng chẳng những không tập trung nỗ lực mở rộng tín dụng cho nông dân - những người thật sự khát vốn - mà dần dần có xu hướng đô thị hóa, tham gia tích cực vào các hoạt động cho vay thương mại cùng các hoạt động kinh doanh chứng khoán và đầu cơ bất động sản đầy rủi ro.

Tín dụng nông nghiệp và nông thôn được giao khoán cho mạng lưới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao biện một cách mệt mỏi và không hào hứng. Bản thân ngân hàng quốc doanh này cũng không mặn mà lắm đối với việc cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn như tên gọi của mình.

Ảo vọng từ cơn sốt cổ phiếu

Trong vòng vài năm trở lại đây, các ông chủ của những ngân hàng cổ phần nông thôn, thay vì chăm chút vào các hoạt động cho vay nhỏ lẻ, ăn chắc mặc bền cho sản xuất, tiêu thụ nông phẩm và cải thiện đời sống nông dân, lại bị mê hoặc bởi giá cổ phiếu ngân hàng tăng vọt một cách khó thể tưởng tượng trên thị trường chứng khoán chính thức và không chính thức, đã bắt tay với nhiều “đại gia”, sử dụng chiêu thức tăng vốn để được “hóa thân” thành những ngân hàng đô thị, những mong trong phút chốc trút bỏ chiếc áo vải thôn dã để khoác vào mình chiếc áo gấm, chen chân vào hàng ngũ giới quý tộc ngân hàng đô thị.

Thêm vào đó, cánh cửa giấy phép mới vẫn khép chặt khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua lại các ngân hàng nông thôn để chuyển hóa thành ngân hàng đô thị và cho đến khi không còn một ngân hàng nông thôn nào để mua, thì vận động xin thành lập ngân hàng mới. Dù là mua lại hay thành lập ngân hàng mới, hầu hết trong số họ đều xem đây chỉ là một “phi vụ” đầu cơ siêu lợi nhuận, có hiệu quả cao trong chớp mắt. Rất ít ai có tầm nhìn lâu dài, trong khi muốn xây dựng ngân hàng thành công phải có tầm nhìn lâu dài.

Ấn tượng mà các nhà phân tích kinh tế trong và ngoài nước nhận thấy như một sự bùng nổ số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, trước hết chỉ là một sự biến hình của các ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị dưới cây gậy thần của Ngân hàng Nhà nước, sau đó là con số đông đảo hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới trong năm 2007 (25 hồ sơ ngân hàng trong nước và 33 hồ sơ ngân hàng nước ngoài). Nguyên nhân thứ hai không phản ánh điều gì khác hơn là những ảo vọng hình thành từ cơn sốt tăng giá cổ phiếu ngân hàng một hai năm trước đây.

Nhưng ngày nay, cơn sốt ấy đã qua rồi. Mở một ngân hàng mới hiện nay là một thách thức, không còn là cơ hội nữa. Không chỉ thách thức đến từ nguồn nhân lực, năng lực quản lý, nhất là quản lý rủi ro, đầu tư công nghệ, môi trường cạnh tranh ngân hàng khốc liệt, chính sách kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát… mà quan trọng hơn là giá cổ phiếu ngân hàng - cũng như các cổ phiếu doanh nghiệp khác - đã chấm dứt trạng thái bong bóng hư ảo để trở về với thực tại lạnh lùng. Tất cả những điều này đã khiến cho những cái đầu nóng bỏng trước đây say sưa với việc “thai nghén” ngân hàng, giờ đã trở nên nguội lạnh.

Trong tình hình đó, một quyết định tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng có vẻ là một quyết định đang được mong chờ nhất. Thông thường, một biện pháp hành chính mang tính ngăn chặn thường không dễ nhận được sự hưởng ứng từ những người có liên quan nhưng chủ trương tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước mới đây quả là một ngoại lệ, vì đã nhận được sự đồng tình ngay lập tức của mọi người, từ những ngân hàng đã hoạt động đến những ngân hàng chuẩn bị ra đời, từ nhà phân tích kinh tế trong nước đến những chuyên gia kinh tế nước ngoài.

Việc tạm dừng cấp phép phải chăng chỉ là bước chuẩn bị của Ngân hàng Nhà nước thực hiện những biện pháp điều chỉnh tiếp theo nhằm giúp hệ thống trở nên lành mạnh hơn? Tạm dừng cấp phép, thật ra, chỉ có thể là một biện pháp tạm thời, khi hệ thống ngân hàng Việt Nam còn khiếm khuyết cả một mảng quan trọng hợp tác xã tín dụng và ngân hàng nông thôn, còn chịu đựng một phương thức thanh toán quá nặng về tiền mặt và trong tương lai, còn phải đối mặt với việc mở rộng cánh cửa tài chính, tiền tệ ngân hàng trên tiến trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Theo HUỲNH BỬU SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên