Ông Lê Đức Thọ, phó tổng giám đốc NH Công thương, cho biết NH phân làm ba nhóm DN. Nhóm 1 là những DN tốt, đang hoạt động bình thường nhưng do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan dẫn đến công suất, sản lượng chưa được như mong muốn. Nhóm này sẽ được NH tiếp tục tạo điều kiện để phát triển. Nhóm 2 là các DN có gặp khó khăn nhất định do ảnh hưởng từ thị trường trong nước, thế giới, nhưng sử dụng vốn đúng mục đích và có phương án vượt khó khả thi sẽ được NH xem xét thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nợ và tăng cường tài chính. Nhóm 3 là DN yếu kém không có khả năng tồn tại, NH phải tính toán các biện pháp xử lý dứt điểm.
Ông Thọ cho biết đi liền với tái cơ cấu NH cũng xem xét điều chỉnh lãi vay phù hợp. “Không có gì cố định cả, các biện pháp thực hiện sẽ rất linh hoạt trên tinh thần giúp DN vượt qua khó khăn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh của NH” - ông Thọ nói.
Theo chủ tịch hội đồng quản trị một NH cổ phần tại TP.HCM, những DN được NH cơ cấu lại nợ phải là những DN khó khăn chứ chưa “chết”. Ngoài ra, những DN được NH điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ phải sử dụng vốn vay đúng mục đích theo phương án vay vốn của NH, đồng thời DN phải có phương án khắc phục, cơ cấu hoạt động thế nào để tiếp tục tồn tại và phát triển. Về phía NH sẽ tạo điều kiện cho những DN cơ bản tốt, có thị trường và có phương án vượt qua khó khăn được đánh giá là khả thi và có khả năng thực hiện. NH cũng là một DN, do vậy tất cả đều phải theo nguyên tắc thị trường, khách hàng rủi ro thấp thì lãi cho vay thấp. Mặt khác khách hàng phải đáp ứng được những điều kiện tài chính nhất định của NH, NH mới cho vay.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng chỉ đạo cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN thật ra chỉ là sự hợp thức hóa do trước đó các NH đã thực hiện rồi nhưng không chính thức.
Một chuyên gia nguyên là thành viên của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia phân tích nhiều chỉ thị của NH Nhà nước như giảm lãi cho các khoản vay cũ, tái cơ cấu, khoanh nợ, giãn nợ cho DN, các NH không thực hiện được vì những DN mà NH giãn nợ, khoanh nợ được NH đã làm rồi. Những DN còn lại không đủ điều kiện, do vậy NH không thể tái cơ cấu mà phải xử lý để thu hồi nợ. Ngoài ra, nếu cứu DN mà NH Nhà nước chỉ yêu cầu các NH khoanh nợ, giãn nợ hoặc yêu cầu các NH đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp rất khó thực hiện vì các NH cũng là DN, do vậy trước hết họ phải hành động vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện nay trên thị trường diễn ra cảnh kẻ ăn không hết người lần không ra. “Nhiều NH dư thừa vốn, đặc biệt các NH quốc doanh lớn dư thừa hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng không cho vay ra được. Trong khi đó, thanh khoản nhiều NH nhỏ rất căng thẳng. NH thừa vốn phải tranh giành khách hàng tốt để cho vay - trong khi đó nhiều DN khác cần vốn nhưng không thể tiếp cận được do không đủ điều kiện” - chuyên gia này phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề DN không tiếp cận được vốn hiện nay không nằm ở lãi suất mà là việc xử lý nợ xấu. Do vậy cứu DN cần giải pháp đặc biệt, trong đó NH Nhà nước cần đóng vai trò trung gian để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời có những chính sách đặc biệt để cắt những khoản nợ xấu, giúp ổn định thị trường... từ đó kéo giảm lãi suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận