Ngân hàng tăng tốc mua lại trái phiếu
Dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy tính đến ngày 14-7, các doanh nghiệp đã mua lại 4.198 tỉ đồng trái phiếu trong hai tuần đầu tháng 7.
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 121.790 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỉ đồng). Các chuyên gia nhận định các ngân hàng tăng tốc mua lại trong bối cảnh đang "thừa tiền", tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Sau ngân hàng, nhóm bất động sản chiếm 16% tổng số, tương ứng 19.243 tỉ đồng.
Điểm đáng chú ý sau sự cố Vạn Thịnh Phát cuối năm 2022, hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản diễn ra mạnh mẽ nhưng đã chậm lại kể từ khi nghị định 08 được ban hành (tháng 3-2023).
Theo SSI Research, hoạt động mua lại của doanh nghiệp bất động sản giảm xuống chỉ còn 24.700 tỉ đồng trong quý 2-2023, từ mức cao nhất 34.800 tỉ đồng trong quý 4-2022.
Dữ liệu HNX cập nhật đến ngày 13-7-2023 cho thấy giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỉ đồng.
Chuyên gia SSI Research nhận định nghị định 08 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên đến hai năm hoặc chuyển đổi thành tài sản khác. Tuy nhiên điều này cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu "càng lâu càng tốt" từ phía nhà phát hành.
Trong khi đó, theo VBMA, trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn 147.310 tỉ đồng. 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 72.170 tỉ đồng.
Phát hành mới "ấm" lại, dòng tiền đến từ đâu?
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tiếp tục chậm trong quý 1 năm nay nhưng bắt đầu có các dấu hiệu phục hồi khi sang quý 2.
Thống kê từ HNX, trong tháng 6-2023 một số doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu có giá trị lớn (1.500 - 2.250 tỉ đồng), hầu hết đều lần đầu phát hành và với lãi suất cao (13-14%).
Theo chuyên gia SSI Research, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ trọng cao nhất (57%) trên thị trường sơ cấp, nhưng chỉ tập trung vào một số tổ chức phát hành.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiingroup - nhận xét việc hồi phục trở lại như vậy là một tín hiệu tốt, một số chủ đầu tư đã có thể có những bước tiến quan trọng về tình trạng pháp lý dự án.
Theo vị này, về dòng tiền đổ vào, quan sát cho thấy vẫn phụ thuộc vào ngân hàng và các nhà đầu tư định chế. Bởi sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân, kể cả chuyên nghiệp vẫn chưa khôi phục đáng kể trở lại. Trong khi các đơn vị vốn nước ngoài đều tạm dừng hoặc rất hạn chế đầu tư vào trái phiếu bất động sản trong tình hình hiện nay.
SSI Research cũng cho rằng với các nhà đầu tư cá nhân "còn nhiều việc phải làm để khôi phục lại niềm tin và tâm lý".
Để khôi phục niềm tin, việc định hình lại cấu trúc thị trường, giảm thiểu tỉ lệ tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư cá nhân sẽ cần được xem xét. Trong đó các bên tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ trái phiếu) cần tuân thủ các tiêu chuẩn và trách nhiệm cao hơn phân phối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận