Sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết vốn tín dụng vào bất động sản, các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động do thừa vốn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Techcombank vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm 0,2 - 0,3%/năm.
Sau khi giảm, huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 4,6%/năm.
Các kỳ hạn 6-11 tháng sau khi giảm lãi suất huy động còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm như trước đó. Trong tháng 4-2018, Techcombank đã ba lần điều chỉnh lãi suất huy động.
Sacombank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn.
Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại BIDV hiện chỉ còn 4,1%/năm, trong khi nhiều ngân hàng cổ phần lớn khác trả mức lãi suất 4,8 - 5,1%/năm, thậm chí kịch trần 5,5%/năm.
Kỳ hạn 3 tháng BIDV cũng chỉ trả lãi suất 4,6%/năm, kỳ hạn huy động 6 tháng lãi suất là 5,1%/năm.
Trao đổi với chúng tôi, một số ngân hàng thừa nhận tín dụng đang có xu hướng tăng chậm lại sau khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản do lo ngại rủi ro.
Giám đốc kinh doanh một ngân hàng thừa nhận nhiều ngân hàng thương mại đang thừa vốn nên buộc phải giảm bớt lãi suất huy động.
"Việc giảm lãi suất huy động cũng nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài, thay vì tập trung vào các kỳ hạn ngắn như trước" - vị này nói.
Huy động vốn tăng mạnh
Theo thống kê 5 tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2017.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại đã có mức tăng tín dụng 7 - 8%, thậm chí có ngân hàng tăng hơn 9%, nên giảm lãi suất đầu vào là giải pháp cần thiết để giảm chi phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận