Thời gian qua cho thấy một số ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tồn tại những rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng SCB không phải đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với hệ thống ngân hàng nói chung và vụ việc tại SCB nói riêng, ông Bùi Quốc Dũng - phó tổng Kiểm toán Nhà nước - khẳng định như vậy.
Theo ông Dũng, trước hết cần khẳng định Ngân hàng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước. Do vậy, theo quy định pháp luật, SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Ông Dũng cũng chỉ rõ mặc dù không trực tiếp kiểm toán SCB nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động phát hiện, đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của Ngân hàng SCB tại báo cáo kiểm toán Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu cho phép; thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản và vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước với khối lượng lớn.
Bên cạnh đó, cấp tín dụng cho cổ đông là cá nhân với số tiền lớn hơn số vốn góp vào chính tổ chức tín dụng; chưa đáp ứng tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn; chênh lệch thu - chi âm...
Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại chất lượng tài sản bảo đảm của các khoản cho vay đặc biệt.
Đánh giá, xác nhận khả năng thu hồi nợ gốc, lãi của khoản cho vay đặc biệt SCB, và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định và phù hợp với thực tiễn.
"Có thể nói, với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, Kiểm toán Nhà nước đã rất chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, do các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nên Kiểm toán Nhà nước không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này.
Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế", ông Dũng nêu rõ.
Ông nói thêm, mặc dù có những rào cản về cơ sở pháp lý, Kiểm toán Nhà nước vẫn nỗ lực chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần trong phạm vi và thẩm quyền của mình.
Thông qua việc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là kiểm toán tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra và cảnh báo những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn tới tính thanh khoản và an toàn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Những vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như việc thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỉ lệ dự trữ bắt buộc; còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ chưa phù hợp; tỉ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của một số ngân hàng cao; còn một số ngân hàng thương mại cổ phần có tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng; còn trường hợp cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần trên 20% vốn điều lệ,…
Từ đó khuyến nghị với Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện đúng, đầy đủ các quy định và kịp thời phát hiện các yếu tố, xu hướng tác động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác thanh tra, giám sát; ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, góp phần đảm đảm bảo sự phát tiển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính.
Sớm sửa quy định để Kiểm toán Nhà nước
Từ thực tế trên và để nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng cần có một số giải pháp. Trong đó, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cùng với đó, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện.
Theo dõi đôn đốc kịp thời, thường xuyên các kết luận và kiến nghị kiểm toán; có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách.
Chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, rào cản ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kiến nghị các cơ quan nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương pháp luật.
Trong năm 2023, riêng trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 10 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 599 tỉ đồng,
Trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 380 tỉ đồng, giảm chi ngân sách và chi đầu tư 2,5 tỉ đồng; xử lý tài chính khác hơn 216 tỉ đồng.
Đồng thời kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kết quả kiểm toán lũy kế giai đoạn từ 2015 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 18.107 tỉ đồng, kiến nghị sửa đổi 45 văn bản; đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.
Tính riêng giai đoạn 2012 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với 5 vụ việc liên quan đến lĩnh vực kiểm toán ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận