20/11/2017 18:11 GMT+7

Ngân hàng phá sản: sẽ tùy tình hình để bồi thường

L.THANH
L.THANH

TTO - Luật các tổ chức tín dụng sau khi sửa đổi đã được thông qua, nhưng việc nâng hạn mức bồi thường tiền gửi quá 75 triệu đồng vẫn phải tùy nguồn lực và tình hình.

Ngân hàng phá sản: sẽ tùy tình hình để bồi thường - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 20-11, với 88,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Luật các tổ chức tín dụng sau khi sửa đổi cho phép Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. 

Sẽ căn cứ vào nguồn lực để bồi thường khi phá sản ngân hàng

Tuy nhiên, nội dung chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản lại không được quy định trong luật này. 

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình tiếp thu một số ý kiến đại biểu đề nghị tại phiên thảo luận về dự án luật này hôm 26-10.

Cụ thể, đó là quy định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng bị phá sản. Khoản cho vay đặc biệt này để chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã chi trả.

Trước đó, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã tỏ ý băn khoăn mức chi bồi thường của bảo hiểm tiền gửi hiện nay.

Cụ thể, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Hà Tĩnh cho rằng việc quy định bảo hiểm tiền gửi tối đa hiện chỉ 75 triệu đồng là không có ý nghĩa thực tiễn với những người gửi tiết kiệm đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng.

"Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét quy định lại vấn đề bảo hiểm tiền gửi để bảo đảm phản ánh đúng thực chất về bảo hiểm là bù đắp một phần rủi ro tương xứng của người tham gia bảo hiểm", đại biểu Thơ kiến nghị.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. Do vậy, nội dung này không quy định trong luật".

Cho vay 0%/năm để cứu ngân hàng yếu kém

5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gồm:

Phục hồi

Sáp nhập - hợp nhất

Chuyển nhượng toàn bộ cổ phần - phần vốn góp

Giải thể, chuyển giao bắt buộc

Phá sản.

Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc được bổ sung vào luật thực chất là muốn cho tổ chức tín dụng thêm cơ hội để phục hồi.

Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của tổ chức tín dụng đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường.

Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương cơ cấu lại theo phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt. 

Đặc biệt, Thủ tướng cũng có thể quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Còn về nguồn lực để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giải trình thêm với Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý. 

Dù trong quá trình thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể gián tiếp làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 20-11, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng việc phá sản ngân hàng là khó có thể xảy ra vì Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập - hợp nhất... nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội.

"Còn khi phá sản ngân hàng, việc quy định mở là Nhà nước sẽ chi trả cho người gửi tiền theo thực lực của nền kinh tế sau khi bảo hiểm tiền gửi đã bồi thường để bồi thường là phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Lý do là việc ấn định mức bồi thường tối đa 75 triệu đồng như hiện nay thì người gửi 100 triệu cũng như người gửi 1 tỉ đồng, như thế là không công bằng", ông Chiểu nói.

Bảo hiểm chỉ 75 triệu, người gửi tiền hết ham lãi suất cao! Gửi tiền tỉ, ngân hàng phá sản bồi thường 75 triệu có ý nghĩa gì! Ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường 75 triệu?
L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên