Ba ngân hàng lớn của Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group đang xây dựng một phương thức thanh toán quốc tế tức thời sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) bên cạnh cơ sở hạ tầng thanh toán hiện có, với dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới.
Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group sẽ bắt đầu thử nghiệm phương thức trên sớm nhất vào mùa Thu năm nay với hơn 10 ngân hàng khác ở Nhật Bản và nước ngoài. Các ngân hàng này dự kiến phương thức trên chủ yếu dành cho những giao dịch giữa các doanh nghiệp, chẳng hạn như thanh toán thương mại, và sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng trong tương lai.
Hiện tại, các khoản thanh toán quốc tế thông qua hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT phải thông qua nhiều ngân hàng đại lý. Quá trình này có thể mất chưa đến một giờ nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ hoặc lên đến một tháng nếu giao dịch thiếu thông tin cần thiết để phòng ngừa rửa tiền chẳng hạn.
Hệ thống mới sẽ sử dụng các stablecoin trên blockchain được liên kết với giá trị của các loại tiền tệ khác nhau, sẽ được gửi trực tiếp giữa các ngân hàng thông qua cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hiện có, cho phép các giao dịch được hoàn thành trong vòng chưa đầy một giây. Stablecoin là loại tiền mã hóa được thiết kế để theo dõi các đồng tiền chính thức, vàng hoặc những loại tài sản khác nhằm duy trì sự ổn định về giá. Tether và USD Coin là những ví dụ điển hình cho loại tiền này.
Với việc sử dụng SWIFT, các ngân hàng sẽ không cần phải đầu tư vào những hệ thống thanh toán hoàn toàn mới. Các công ty cũng có thể yêu cầu những ngân hàng xử lý các giao dịch thông qua quy trình thông thường của họ.
Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, từ năm 2013 đến năm 2019, phí chuyển khoản xuyên biên giới khoản tiền 200 USD giữa các ngân hàng trung bình là 17,5%. Tại các thị trường mới nổi, nơi các loại phí này có xu hướng tăng cao, chi phí giao dịch có thể giảm xuống dưới 10% của mức hiện tại.
Progmat, một nền tảng blockchain được ba ngân hàng lớn nói trên của Nhật Bản hỗ trợ, sẽ hợp tác với nhà phát triển blockchain có trụ sở tại Tokyo là Datachain và SWIFT để thiết lập cơ chế thanh toán, sau đó các stablecoin sẽ được phát hành để có thể sử dụng cho những giao dịch liên ngân hàng.
Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research ước tính thị trường thanh toán xuyên biên giới toàn cầu đạt 182.000 tỉ USD vào năm 2022. Lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi các ngân hàng nỗ lực cải thiện tốc độ chuyển tiền quốc tế cũng như điều chỉnh phí dịch vụ chuyển tiền hợp lý hơn.
Trong khi đó, một nhóm gồm các ngân hàng JPMorgan (Mỹ), Standard Chartered (Vương quốc Anh) và DBS Group Holdings của Singapore (Xin-ga-po) đã giới thiệu một mạng lưới thanh toán quốc tế dựa trên blockchain dành cho các công ty đa quốc gia có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD, đồng euro và đồng đôla Singapore. Một nhóm gồm bảy ngân hàng trung ương cùng với những tổ chức cho vay tư nhân cũng đang chuẩn bị thử nghiệm công nghệ sổ cái kỹ thuật số để thực hiện dịch vụ thanh toán xuyên biên giới.
Khi cuộc cạnh tranh nhằm thiết lập một cơ chế thanh toán quốc tế nhanh hơn, rẻ hơn đang gia tăng, phương thức thanh toán dễ sử dụng nhất đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể trở thành tiêu chuẩn thực tế của ngành. Khoản đầu tư ban đầu thấp cho phương thức thanh toán trên của các ngân hàng Nhật Bản có thể là một điểm cộng. Để phương thức thanh toán trên hoạt động hiệu quả, cả ngân hàng gửi và ngân hàng nhận đều phải có khả năng hỗ trợ stablecoin, khiến việc áp dụng công nghệ này rộng rãi hơn trở thành chìa khóa cho sự thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận