Lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, trong khi kinh tế Việt Nam đã bước vào pha phục hồi. Nguồn vốn dồi dào tại các ngân hàng đang là cơ hội để các doanh nghiệp có thể vực lại lúc này.
Lãi suất thấp nhất 20 năm
Phát biểu, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá khơi thông nguồn vốn ra thị trường là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và người dân rất quan tâm. Sắp tới được biết Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, ông Tú cho biết để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 (cho phép các tổ chức tín dụng và chi nhánh các ngân hàng nước ngoài - không bao gồm ngân hàng chính sách - được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng).
Cụ thể, theo ông Tú, Ngân hàng nhà nước đề xuất cho gia hạn nợ thêm sáu tháng nữa thay vì kết thúc ngày 30-6 tới. Nếu sau đó doanh nghiệp vẫn khó khăn thì cần phải có cơ chế khác để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, hiện vốn trong ngân hàng rất dồi dào, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư dả. Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
"Vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với mức 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên" - ông Tú nhấn mạnh. Đặc biệt, hiện lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn.
Ngân hàng tích cực tìm khách hàng
Ông Trần Hoài Nam - phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) - cho hay trong tháng 1-2024 tăng trưởng tín dụng của HDBank chậm bởi tâm lý trước Tết người dân, doanh nghiệp thường muốn trả nợ.
Tuy nhiên từ tháng 2, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đi lên. Tính đến hết quý 1 tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt 6%, tính theo con số tuyệt đối là hơn 20.000 tỉ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 358.000 tỉ đồng, tập trung trong các lĩnh vực động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, xăng dầu...
Nhìn nhận về thị trường 2024, ông Nam kỳ vọng tín dụng tiếp tục tăng với mức dự báo đạt 13,5 - 14%. Mục tiêu này khả thi và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP, khi mặt bằng lãi suất thấp, không vướng room tín dụng và doanh nghiệp cũng đỡ áp lực về chi phí vốn.
Bà Nguyễn Thị Lộc - giám đốc điều hành miền Nam Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) - thông tin hai tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của Techcombank đạt khoảng 3 - 4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng gần 7% nhờ xuất khẩu khởi sắc.
Ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm. Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng này vẫn duy trì biểu lãi vay ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất 4,5 - 6,5%/năm. "Techcombank dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã cấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn", bà Lộc nói.
Techcombank cũng đã thành lập ban phát triển kinh doanh miền Nam để kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại địa bàn. "Kể từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã liên tục khơi thông các kênh kết nối cùng các hiệp hội như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và nhiều tổ chức khác nữa", bà Lộc cho biết.
Bà Đinh Thị Thu Thảo, giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng ACB, cho biết lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp của hệ thống này từ 4 - 6%/năm, cho vay cá nhân từ 6 - 8%/năm. Nếu cố định hai năm thì lãi suất cho vay ở mức 7%/năm. Quý 1 ACB tăng trưởng tín dụng 3,7%, trong đó cho vay cá nhân tăng 3,8% và cho vay doanh nghiệp tăng 3,5%.
Doanh nghiệp e ngại gì?
Các doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội tham gia hội thảo đều cho rằng dù lãi suất hạ, vốn dồi dào nhưng hiện nay cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ đều e ngại vay vốn bởi đơn hàng xuất khẩu và thị trường nội địa còn khó khăn.
Trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp quy mô nhỏ tại TP.HCM về nhu cầu vay vốn, ông Nguyễn Đình Tuệ - giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - phát biểu khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là vẫn chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém...
Để khắc phục tình hình này, ông Tuệ đề xuất Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Về phía ngân hàng, ông Tuệ cho rằng hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Bà Tô Thị Tường Lan - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng do các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên doanh nghiệp ngại vay vốn. Với các doanh nghiệp thuộc nhóm 20 xuất khẩu thủy sản hàng đầu về thủy sản thường vay USD nhưng lãi suất cao và biến động tỉ giá không có lợi nên doanh nghiệp cũng giảm vay, chờ tín hiệu tích cực hơn của thị trường. Từ thực tế doanh nghiệp, bà Lan đề xuất các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay USD xuống dưới mức 4%, đồng thời phổ biến rộng rãi các gói ưu đãi cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng cái khó của hầu như tất cả các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đó là không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để mang ra vay vốn. Do đó giải pháp tín dụng lớn nhất đối với lĩnh vực bất động sản đó là giải pháp "phi tín dụng", cụ thể là tháo gỡ các thủ tục pháp lý cho các dự án. Nếu dự án được khơi thông pháp lý, ngân hàng chấp nhận tài sản đảm bảo hợp pháp, tăng nguồn cung, đương nhiên vốn sẽ chảy vào lĩnh vực địa ốc.
"Báo Tuổi Trẻ góp phần thúc đẩy kết nối, là cầu nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để khơi thông nguồn vốn ra thị trường với mục tiêu góp phần đưa nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng, vượt qua giai đoạn khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải" - nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội thảo.
Nền kinh tế đã bắt đầu ngấm vốn
Đó là nhấn mạnh của ông Đào Minh Tú - phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - trong phần kết luận hội thảo.
Hiện huy động vốn của nền kinh tế đạt 13,73 triệu tỉ đồng. Thanh khoản hệ thống sẵn sàng đảm nguồn vốn cho bất cứ dự án nào đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng. Còn tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện đạt 13,76 triệu tỉ đồng.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 28-3 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 âm. Đến nay, tín dụng tăng khoảng 1%. Với dấu hiệu khởi sắc này, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn; hy vọng trong quý 2 và 3, nhất là quý 4, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14 - 15%.
Kinh tế bước vào pha phục hồi
GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Trường đại học Kinh tế - Luật, cho biết các con số tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng cũng cho thấy doanh nghiệp và người dân đang đẩy mạnh vay vốn để kinh doanh và đầu tư.
"Qua kết quả của nhóm nghiên cứu, tín hiệu lạc quan đang vượt trội. Như vậy có thể khẳng định nền kinh tế đã bước vào pha phục hồi. Chính sách hạ lãi suất và công khai lãi suất đã đúng điểm rơi", bà Xuân nói. Cũng theo bà Xuân, lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.
* PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi
Không thể khẳng định lãi suất thấp như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu vì lãi suất phụ thuộc vào nhiều biến số, trong đó có tỉ giá. Do đó, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoặc các ngân hàng thương mại chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường. Nên chăng theo định kỳ với việc công bố lãi suất cho vay thì ngân hàng công bố luôn tỉ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý.
Về phía doanh nghiệp khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn.
Nếu cần sẽ can thiệp tỉ giá từ quỹ dự trữ quốc gia
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Mỹ chưa khẳng định thời điểm nào hạ lãi suất nhưng đồng USD vẫn tăng giá. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỉ giá của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, sử dụng các công cụ điều hành, trong điều kiện cần thiết thì sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia.
* TS Trương Văn Phước (nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):
Không nên đánh đổi lãi suất để "cứu" tỉ giá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, có đến 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy thể trạng doanh nghiệp yếu đi, khó khăn là điều có thật. Ba trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu thì tiêu dùng trong quý 1 vừa qua chỉ tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ tăng 10,1%, chứng tỏ cầu tiêu dùng yếu.
Vậy chúng ta phải đối mặt và giải quyết câu chuyện này thế nào?
Lãi suất giảm khi doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp vì thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm, tiêu dùng giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của người cho vay và người đi vay.
Do vậy về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống. Lãi suất VND đang thấp xuống nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VND mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.
Về tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. Một quý mà để đồng bản tệ mất giá 2 - 3% thì Ngân hàng Nhà nước cần phải có tiếng nói. Vì tỉ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỉ giá ổn định trong khoảng 3 - 4% là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận