Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trao đổi với cơ quan báo chí tại buổi họp báo hôm 27-12 - Ảnh: SBV
Sáng 27-12, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có giải pháp tích cực sớm để xử lý các ngân hàng yếu kém, theo hướng như chuyển giao bắt buộc.
Những ngân hàng khó khăn như SCB nổi lên như trong năm 2022, do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB.
"Có thể coi đây là sự kiện nóng của năm 2022. Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB" - ông Tú thông tin.
Đánh giá hoạt động ngân hàng trong năm 2022, phó thống đốc chia sẻ Ngân hàng Nhà nước kiên định việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất suốt 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên tình hình thế giới tác động quá lớn đến tỉ giá Việt Nam nên Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải hai lần tăng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo phù hợp với xu hướng chung. Sau đó, các ngân hàng thương mại cũng tăng lãi suất cả hai chiều.
Về tổng thể, mức tăng lãi suất tiền gửi khoảng 0,77%/năm, còn lãi suất cho vay 0,81%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước. Đến nay tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13%.
Bên cạnh đó, tỉ giá được giữ duy trì ổn định với mức tăng 3,81%, đây cũng là mức mất giá thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5% và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Không đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm sau, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cam kết ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời.
Đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, thậm chí cả lợi nhuận để tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp và người dân.
Riêng đối với tín dụng cho lĩnh vực rủi ro, ông Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực như bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản có tính chất đầu tư, đầu cơ.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có diễn đàn tín dụng đối với bất động sản để đánh giá rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, của cơ quan quản lý thị trường này, của doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản…
"Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng" - ông Tú nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận