Sau chỉ đạo của Thủ tướng, giá vàng miếng SJC đã bốc hơi nửa triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng đi lên và chạm mốc lịch sử 2.400 USD/ounce vào cuối ngày 12-4. Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định "sẽ tăng cung vàng miếng".
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung vàng miếng
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 72,83 triệu đồng/lượng. Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn 11,67 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn 9999 cao hơn từ 4,32 - 5,52 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo chí ngày 12-4, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.
"NHNN sẽ triển khai ngay các giải pháp nhằm can thiệp thị trường. Với thị trường vàng miếng, NHNN sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ", ông Hà khẳng định.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Song song đó, NHNN sẽ thực hiện ngay công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Đối với hoạt động thanh tra, NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng
Tuyên bố trên của NHNN được phát đi sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 160 nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Tại thông báo này, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định.
Can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
"Việc xử lý diễn biến thị trường vàng để đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động" - thông báo nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp. Quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường.
Chờ hành động từ Ngân hàng Nhà nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Trần Duy Phương cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng và tuyên bố sẽ tăng cung vàng miếng của NHNN, thị trường vàng đã có phản ứng.
Theo đó, giá bán vàng miếng SJC giảm hơn nửa triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 có nơi tăng nơi giảm do giá vàng thế giới vẫn tăng và thị trường vàng đang án binh bất động để nghe ngóng chờ hành động cụ thể từ NHNN.
"Trên thực tế có thể thấy thị trường đã phản ứng tích cực vì trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ, cuối ngày 12-4 có lúc chạm mức đỉnh mọi thời đại là 2.400 USD/ounce, nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN thì giá vàng miếng SJC chiều nay có thể chạm mốc 86 triệu đồng/lượng", ông Phương nói.
Cũng theo chuyên gia này, tâm lý thị trường hiện nay là chờ đợi hành động từ NHNN. Trong lúc chờ đợi này, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng, sẽ tăng chậm trở lại khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới co hẹp lại.
"Giá vàng trong nước sẽ sập mạnh khi hội đủ hai yếu tố là khi thị trường có thêm nguồn cung và giá vàng thế giới quay đầu giảm. Khi đó, người nắm giữ cũng sẽ bán ra", ông Phương phân tích.
Trong khi đó, một đại diện Công ty SJC cho biết hôm 12-4 lượng mua vàng nhẫn vẫn cao. Do đó công ty giới hạn số lượng mua mỗi người ở mức 5 chỉ vàng nhẫn. Tuy nhiên, có trường hợp cả gia đình hoặc nhiều nhân viên của một doanh nghiệp cùng xếp hàng mua vàng.
Ở chiều bán ra, cũng có trường hợp bán vàng nhẫn 9999 để chốt lời nhưng lực mua vẫn cao hơn. Lực mua bán vàng miếng SJC thì ở mức quân bình chứ không sôi động như vàng nhẫn.
Trước mắt nên cho đấu thầu vàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Trung Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết chỉ có một giải pháp có thể tăng cung ngay cho thị trường vàng lúc này là đấu thầu vàng.
"NHNN có một lượng vàng khá lớn trong kho dự trữ có thể can thiệp ngay thị trường. Tháng 12-2023 NHNN đã rà soát lại toàn bộ quy trình đấu thầu, do vậy đến nay có thể nói sau chỉ đạo của Thủ tướng thì NHNN đã trong tư thế sẵn sàng để có thể đấu thầu", ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, trước đây ở giai đoạn áp dụng nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, NHNN đã từng tổ chức khoảng 80 phiên đấu thầu vàng.
Khi bán lượng vàng này cho doanh nghiệp và ngân hàng, NHNN có thể mua đối ứng vàng trên thị trường quốc tế để cân đối. Khi NHNN đấu thầu thì giá vàng miếng SJC sẽ xì hơi chứ không thể duy trì mức chênh như hiện nay.
Theo ông Khánh, chỉ cần tung ra thị trường mỗi phiên 5.000 - 10.000 lượng vàng cũng đủ hạ nhiệt thị trường. Đây là giải pháp nhanh nhất vì nhập khẩu vàng nguyên liệu phải mất khoảng một tháng mới có thể thực hiện được.
Về lâu dài, ông Khánh cho rằng song song với đấu thầu vàng, NHNN cần tăng cung cho thị trường thông qua việc cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu.
Tháng 8-2023, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã từng gửi văn bản kiến nghị NHNN cho phép ba doanh nghiệp gồm DOJI, SJC và PNJ nhập khẩu vàng với số lượng 1,5 tấn/năm, chia làm nhiều lần. Vàng nguyên liệu sẽ dùng để chế tác vàng nữ trang.
Tuy nhiên theo ông Khánh, thời điểm đưa ra kiến nghị đến nay đã 8 tháng nên tình hình đã thay đổi rất nhiều. Do vậy cũng không nên chỉ khoanh vùng trong ba doanh nghiệp này mà nên mở rộng cho những doanh nghiệp vàng lớn tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Số lượng vàng nguyên liệu mỗi doanh nghiệp được phép nhập bao nhiêu sẽ do NHNN quyết định, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối nguồn cung ngoại tệ nhằm tránh ảnh hưởng đến thị trường.
Nhu cầu vàng nguyên liệu khoảng 10 tấn
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ theo quy định tại nghị định 24. Hiệp hội dự kiến nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức không quá 10 tấn, tính theo giá hiện hành tương đương khoảng 700 triệu USD.
Giá vàng trong nước hạ nhiệt
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau chỉ đạo của Thủ tướng và tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã hạ nhiệt.
Vàng miếng giảm, vàng nhẫn tăng nhẹ
Cuối ngày 12-4, giá bán vàng miếng SJC tại Công ty SJC và Công ty PNJ cùng lùi về mức 84,5 triệu đồng/lượng, mua vào 82,5 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh buổi sáng, giá bán vàng miếng SJC đã giảm 520.000 đồng/lượng, giá mua vào cũng giảm tương ứng.
Tại các tiệm vàng, mức giảm mạnh hơn, còn 83,8 triệu đồng/lượng, mua vào 82,6 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC.
Trong khi đó, giá bán vàng nhẫn tiếp tục tăng. Tại Công ty SJC, giá bán vàng nhẫn 9999 tăng thêm 250.000 đồng/lượng so với buổi sáng, lên mức 77,15 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với ngày 11-4 thì chỉ trong một ngày giá vàng nhẫn 9999 bán ra tại Công ty SJC tăng 1,05 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ, giá vàng nhẫn 9999 tăng tổng cộng 850.000 đồng/lượng, lên mức 77,2 triệu đồng/lượng, mua vào 75,45 triệu đồng/lượng.
Giá bán vàng nhẫn 9999 tại Công ty DOJI cuối ngày 12-4 cán mốc 78,35 triệu đồng/lượng, mua vào 76,25 triệu đồng/lượng.
Người bán chốt lời, người mua hy vọng giá còn tăng
Ghi nhận Tuổi Trẻ chiều 12-4 tại Hà Nội, lượng khách giao dịch ở một số tiệm vàng không quá đông đúc, cũng không có cảnh xếp hàng chờ đợi, thậm chí có nhiều cửa hàng vắng tanh.
Chị T. - nhân viên bán hàng một cửa hàng vàng lớn ở Hà Đông - cho biết khách đến giao dịch chủ yếu mua, số lượng bán ra ít hơn. Chị này cho rằng giá vàng tăng cao, cộng thêm yếu tố tâm lý, nhiều người đến mua để tích trữ. Tuy nhiên nguồn cung cửa hàng vẫn diễn ra thông suốt, không thấy có việc "hạn chế" hay "bán nhỏ giọt", chị T. chia sẻ.
Ngược lại, một số cửa hàng ghi nhận tình trạng chốt lời gia tăng khi số lượng người bán ra tăng cao. Trong khi nhiều người tranh thủ mua vào, hy vọng giá vàng tiếp tục tăng, nhiều nhà đầu tư không chuyên đã kịp chốt lời.
Việc mua bán trong giai đoạn này tùy thuộc vào quan điểm đầu tư của mỗi người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc mua vào có rủi ro khá lớn khi giá mặt hàng này đang ở mức kỷ lục và có thể "rơi" từ đỉnh bất kỳ lúc nào.
Có mặt tại cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), anh Trịnh Thắm (42 tuổi, quận Đống Đa) cho biết anh đến để bán chứ không mua. Anh Thắm cho rằng giá không thể tăng mãi nên bán ra. Số vàng nhẫn anh sở hữu được mua từ lúc giá hơn 60 triệu đồng, đến chiều nay bán ra có giá hơn 75 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận