Ngày 25-4, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với phiên thứ 2 về chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" do báo Người Lao Động tổ chức, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định sẽ có các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ để hài hòa giữa hai mục tiêu ổn định tỉ giá, giảm lãi suất phù hợp.
Tỉ giá là vấn đề lớn
Theo ông Tú, đây là hai vấn đề doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm nhất bên cạnh các yếu tố khách quan khác như chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, cơ chế chính sách khác, tình hình kinh tế thế giới...
Khó khăn của nền kinh tế thấy rõ nhất qua con số tăng trưởng âm tín dụng trong hai tháng đầu năm 2024, từ cầu đầu tư đến cầu tiêu dùng đều thấp.
Ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu, dù đơn hàng tăng nhưng lợi nhuận vẫn không có nhiều.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỉ giá được ổn định.
Ông cho rằng điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỉ giá. Có giảm lãi suất nữa không khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp hiện nay? Ông Tú đưa ra quan điểm: Hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.
Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, dựa trên lợi thế cạnh tranh, công nghệ, tiết giảm chi phí...
"Thời gian qua tỉ giá có dao động, đồng nội tệ mất giá, có thời điểm lên đến 5,9%, khiến chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng lên trong khi các doanh nghiệp chưa chắc hưởng lợi cũng là thế khó cho Việt Nam.
Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng dự trữ ngoại hối, đây là biện pháp mạnh. Trong các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu luôn được ưu tiên", ông Tú khẳng định.
Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn trong thế khó
Không chỉ khó khăn với vấn đề tỉ giá, bà Lê Thị Thanh Minh - trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương - cho biết từ đầu năm đến nay, các đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Đông giảm sút do khách hàng lo ngại tình hình bất ổn.
Vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ khiến du khách Việt Nam không thể đến các điểm đến xung quanh Trung Đông.
"Các nhà nhập khẩu hạn chế đặt hàng trong quý 1-2024 có thể gây giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường trong thời gian tới", bà Thanh Minh nói.
Ở ngành thủy hải sản, ông Trương Đình Hòe, chủ tịch VASEP, cho biết việc tăng chi phí trong hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng. Trong đó mặt hàng thủy hải sản bị tác động từ khâu nguyên liệu, cũng như các yếu tố đầu vào vật liệu, đầu tư… do ảnh hưởng của giá dầu và thị trường tài chính.
Quý 1-2024, ngành thủy hải sản xuất khẩu tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2023, đây là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp tự tin tiếp tục đầu tư. Trong đó có những mặt hàng rất tiềm năng ở thị trường Trung Quốc như tôm luộc...
Ông Trần Như Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho rằng khó khăn thách thức cho xuất khẩu dệt may là số đơn hàng tăng lên nhưng giá không tăng, trong khi chi phí bị đội lên nhiều lần.
Chi phí logistics tăng thì người mua tìm cách đẩy chi phí sang người bán hàng. Lợi nhuận vì thế giảm đi.
"Việt Nam đang nằm trong top xuất khẩu dệt may thế giới cùng với Trung Quốc và Bangladesh. Ngành dệt may Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu thì phải tạo giá trị gia tăng cao hơn thông qua đầu tư máy móc theo hướng xanh sạch...", ông Tùng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận