Liên quan vụ khách hàng bỗng dưng mất 58 tỉ đồng trong tài khoản tại MSB (Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam), tại họp báo Chính phủ ngày 3-4, báo chí đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước: Nếu khách hàng không có bất cứ giao dịch nào trái quy định thì khi nào sẽ được trả lại tiền? Bà Bùi Thị Hoài Anh, giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân (đã bị bắt tạm giam), và ngân hàng sẽ phải bồi thường cho khách hàng như thế nào?
Báo chí cũng đặt vấn đề: Qua vụ việc tại Ngân hàng MSB và một số vụ khác xảy ra thời gian gần đây, phải chăng có lỗ hổng trong nghiệp vụ ngân hàng, đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp bảo vệ khách hàng, tránh xảy ra trường hợp người gửi tiền bị lừa mất tiền.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời thời gian qua có chuyện tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất, và có vi phạm do cá nhân, tập thể hoặc do ngân hàng.
"Nhưng nói là lỗ hổng có tính chất hệ thống thì khẳng định là không", ông Tú nói và dẫn chứng việc khách gửi tiền bị mất chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, tổ chức, đơn vị, phòng giao dịch.
Theo phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân để xảy ra những vụ việc trên có thể là vi phạm do cơ chế, cách thức quản lý của phòng giao dịch, vi phạm cá nhân của nhân viên ngân hàng, "hoặc sự chủ quan, thông đồng giữa khách hàng với cán bộ ngân hàng để tiêu cực, không chỉ lừa nhau mà lừa cả ngân hàng".
Sau các vụ việc, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những chỉ đạo kịp thời và rút kinh nghiệm chung trong hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng rà soát quy định thường xuyên, đặc biệt là quy định mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… và ghi nhận hệ thống văn bản pháp luật liên quan là đầy đủ.
"Trong vụ việc MSB, phải xem xét lại trách nhiệm của ngân hàng thương mại đã đáp ứng quy định của Nhà nước hay chưa?", ông Tú nói.
Về trường hợp bà Bùi Thị Hoài Anh, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được báo cáo của MSB.
"Vụ việc này được Ngân hàng MSB phát hiện và chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an từ tháng 10-2023, để từ đó xác định trách nhiệm, sai sót liên quan tới cá nhân bà Hoài Anh và các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc xác định đúng sai, nguyên nhân từ đâu cần chờ kết quả của cơ quan công an. Nguyên tắc là bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại có cơ chế kiểm soát số dư, kiểm tra tài khoản, gửi tiền tiết kiệm..., đảm bảo về bảo mật thông tin cho khách hàng", ông Tú cũng khuyến nghị khách hàng thường xuyên quan tâm đến quyền lợi của chính mình, quan tâm đến các quy định pháp luật liên quan khi thực hiện giao dịch.
Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - phó giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết ngày 10-10-2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tin báo trên tố cáo bà Bùi Thị Hoài Anh (sinh năm 1984, trú tại chung cư 390 Bồ Đề, Long Biên) - giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân - có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỉ đồng.
Ông Tùng cho biết căn cứ kết quả điều tra, ngày 18-10-2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỉ đồng.
"Hiện công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm và công an đang xác định tiếp" - ông Tùng thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận