Sáng 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai những tháng đầu năm 2024.
Phải xem xét lại công tác quản lý
Nêu ý kiến tại đây, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nhắc đến vấn đề "giá vàng nhảy múa" vừa qua và đề nghị xem xét công tác quản lý thế nào.
"Không lẽ cứ để nó nhảy múa như thế. Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường nhảy múa kiểu thế được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế. Tôi đề nghị công tác quản lý phải rõ", ông Phương nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương về quản lý thị trường vàng.
"Có thể nói chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thị trường thế giới quá cao.
Chúng tôi thấy Thủ tướng, Chính phủ và Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có những chỉ đạo ngân hàng quản lý thị trường vàng. Nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu được vài phiên nhưng giá vàng tăng đến mức độ đỉnh. Chúng tôi thống nhất với Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, có bàn tay của Nhà nước can thiệp vào thị trường.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại "nhảy múa" và có thời điểm đạt mức cao lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng.
Bà Thanh đề nghị cần đánh giá tại sao lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư vàng lại đang diễn ra như vậy và cần có giải pháp.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ lo ngại tình trạng giá vàng tăng đột biến sẽ làm tăng chi phí hàng hóa, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp.
"Biến động thị trường vàng là vấn đề cần được quan tâm, Chính phủ cần có phương án điều hành, quản lý thị trường này và khắc phục tình trạng vàng miếng chênh cao so với thế giới", ông nói.
Ông cho rằng phương án điều hành thị trường này sẽ góp phần cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.
Nguồn cung trong nước hạn chế khiến giá vàng ở mức chênh lệch cao
Giải trình nội dung này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết trước năm 2022, do bất cập của thị trường vàng nên Chính phủ ban hành nghị định 24.
Sau giải pháp này, thị trường diễn biến ổn định. Những năm gần đây do ảnh hưởng COVID-19, lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh khiến trong nước tăng theo.
Từ năm 2022 trở lại đây thị trường trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC giữa thị trường trong nước và quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao.
Nguyên nhân, theo ông Hà, do giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Đến hôm nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 14% so với đầu năm.
Cùng với đó, nguồn cung trong nước hạn chế cũng khiến giá ở mức chênh lệch cao so với thế giới.
Về giải pháp trước mắt, theo ông Hà, do thị trường thiếu nguồn cung nên tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu tiếp theo, tăng nguồn cung ra, ổn định giá cả, thu hẹp khoảng cách giữa vàng SJC và giá vàng quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường, tăng quản lý nhà nước với thị trường vàng theo quy định tại nghị định 24.
Cùng đó, tiếp tục thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán.
Cũng theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các bộ Công an, Công Thương... phối hợp cùng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, thao túng, đẩy giá lên...
Ông Hà thông tin giá vàng trong nước đã chuyển biến khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay 13-5, giảm 3 triệu đồng so với tuần trước.
Dự kiến ngày mai cơ quan này tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuần này sẽ có hai phiên đấu thầu, tăng 1 phiên so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường.
Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa nghị định 24.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận