Phóng to |
Ông Thái Thành Nam, tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam |
Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Thái Thành Nam, tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam về những hoạt động của ngân hàng mắt tư nhân đầu tiên này.
* Thưa ông, từ ý tưởng nào mà ông xây dựng ngân hàng mắt tư nhân đầu tiên này?
- Mỗi lần có ca bệnh cần ghép giác mạc, các bác sĩ đều phải chờ đợi nguồn cho từ các đối tác nước ngoài, hoặc từ thân nhân của một người đã chết (chuyện này cũng chỉ xảy ra trong quá khứ vì bây giờ nếu làm là vi phạm pháp luật). Tuy nhiên số giác mạc nhận được từ hai nguồn trên cũng rất ít.
Từ khi có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, bản thân tôi và Bệnh viện Mắt Sài Gòn cùng ấp ủ một mong muốn thành lập ngân hàng mắt để chữa trị triệt để cho bệnh nhân. Dù là ngân hàng mắt tư nhân nhưng ngân hàng mắt này sẽ hoạt động phi lợi nhuận.
Quỹ hoạt động của ngân hàng sẽ từ nguồn tài chính của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn và bệnh nhân sẽ không phải trả tiền khi nhận giác mạc từ nguồn trong nước. Chỉ khi giác mạc được mua từ các ngân hàng mắt khác trên thế giới thì bệnh nhân phải trả tiền theo đúng với giá mà ngân hàng mắt mua, có hóa đơn chứng từ kèm theo nên bệnh nhân sẽ kiểm chứng được.
* Liệu có sự phân biệt đối xử giữa bệnh nhân được nhận giác mạc từ những người hiến giác mạc trong nước và những bệnh nhân phải trả chi phí mua giác mạc từ nước ngoài?
- Sẽ không có sự phân biệt đối xử nào cả. Người bệnh nào muốn mua giác mạc công ty sẽ mua từ nước ngoài, nếu không sẽ đợi từ những người hiến giác mạc ở trong nước. Tất cả giác mạc đều có nguồn gốc.
* Nhu cầu cần ghép giác mạc của những người bệnh hiện nay?
- Đây là một nhu cầu rất lớn. Chỉ tính riêng Bệnh viện Mắt Sài Gòn trung bình mỗi tháng có khoảng 40-50 người bệnh cần ghép giác mạc. Đó là những người mắc các bệnh lý giác mạc như loạn dưỡng giác mạc, sẹo giác mạc, chấn thương làm mất mô giác mạc… Tuy nhiên, bệnh viện chỉ biết chờ nguồn nhân đạo nào đó, hoặc giới thiệu bệnh nhân ra nước ngoài điều trị. Nếu không được ghép giác mạc những người bệnh này sẽ phải chấp nhận tình trạng bệnh lý như vậy. Khi ấy, người bệnh sẽ bị giảm thị lực, thậm chí mất thị lực.
* Tại sao Bệnh viện Mắt TP.HCM lớn như vậy lại chưa thành lập ngân hàng mắt trong khi Bệnh viện Mắt SG đã tiến hành thành lập?
- Thực tế hoạt động của một bệnh viện mắt hoàn toàn độc lập với hoạt động của một ngân hàng mắt. Một bệnh viện mắt nếu có nguồn giác mạc từ những ngân hàng mắt khác có thể hoạt động bình thường.
Ở TP.HCM nếu có một ngân hàng mắt khác hoạt động và cung cấp được nguồn giác mạc đầy đủ cho Bệnh viện Mắt Sài Gòn thì Bệnh viện Mắt Sài Gòn cũng không cần thiết phải thành lập ngân hàng mắt vì hoạt động của ngân hàng mắt là phi lợi nhuận. Chưa kể trang trải chi phí cho hoạt động một ngân hàng mắt không phải là chuyện đơn giản. Chính vì chưa có nơi nào ở các tỉnh phía Nam cung cấp nguồn giác mạc nên công ty phải thành lập ngân hàng mắt. Ngay cả Bệnh viện mắt Trung ương mới thành lập ngân hàng mắt được hai tháng nay nhưng cũng chưa cung cấp đủ giác mạc cho các bệnh viện ở Hà Nội.
* Vậy khi ngân hàng mắt của công ty hoạt động có đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện khác?
- Tham vọng của chúng tôi là rất lớn nhưng làm được đến đâu thì vẫn phải chờ trong tương lai. Tham vọng của chúng tôi vẫn là bất cứ nơi nào cần giác mạc ngân hàng mắt sẽ cung cấp miễn phí giác mạc cho bệnh nhân, vì ngân hàng mắt đâu chỉ để phục vụ cho một bệnh viện mắt. Tuy nhiên, khi có ngân hàng mắt khác hoặc bất cứ tổ chức nào đó hoạt động tốt hơn, hiệu quả tốt hơn, có thể cung cấp được nguồn giác mạc tốt thì công ty có thể chuyển giao hoặc sát nhập.
* Đầu tư cho một ngân hàng mắt mất khỏang bao nhiêu kinh phí?
- Hiện nay, công ty đang chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị để thành lập ngân hàng mắt này. Tôi tính tối thiểu cũng phải mất 500.000 USD để mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho một ngân hàng mắt như thiết bị trữ lạnh, dụng cụ để trữ mắt, lấy mắt, dụng cụ xét nghiệm đánh giá tình trạng của giác mạc… Khi nào công ty chuẩn bị xong sẽ mời Bộ Y tế vào thẩm định. Khi Bộ Y tế cho phép thành lập, ngân hàng mắt này sẽ chính thức hoạt động, dự kiến vào đầu tháng 8-2010.
Trước mắt, công ty sẽ kêu gọi những người hiến giác mạc. Điều khó khăn hiện nay là làm sao để nhiều người hiểu rằng sau khi mình chết nên đem lại ánh sáng cho người khác, đem lại niềm vui cho người khác vì tránh khỏi sự mù lòa trong khi tập quán của người Việt Nam là phải bảo tồn cơ thể sau khi chết. Đây là một vấn đề cam go, không phải chỉ một mình bệnh viện là làm được mà cần có sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, tập thể, cơ quan, ban ngành hỗ trợ mới hi vọng làm được.
* Vậy một người dân muốn hiến giác mạc cho ngân hàng mắt phải làm gì?
- Khi ngân hàng mắt thành lập sẽ có bộ phận lo chuyện này. Người hiến tặng chỉ cần gọi điện đến ngân hàng mắt sẽ có nhân viên lo các thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người đó hiến tặng giác mạc trong tương lai. Với những người gọi để hiến tặng ngay lập tức sẽ có một đội chuyên đi tới bất kỳ nơi nào để làm nhiệm vụ lấy mắt.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận