Các ngân hàng đang chạy đua tăng vốn để đáp ứng các quy định về an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế. Trong ảnh: ĐHCĐ HDBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 9%, lên 8.829 tỉ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức - Ảnh: B.M. |
Một trong những lý do chính khiến các ngân hàng (NH) cấp tập tăng vốn do thời điểm áp dụng các quy định về an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế đang đến gần.
Lớn, nhỏ cùng tăng vốn
Tại đại hội cổ đông diễn ra cuối tuần qua, NH Nam Á đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn từ 3.021 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu mới.
Theo lãnh đạo NH này, việc tăng vốn sẽ tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn nhằm tài trợ các hoạt động cấp tín dụng, đồng thời giúp NH mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính tăng khả năng cạnh tranh.
Đây cũng là năm mà NH này bước vào giai đoạn 2 của quá trình tự tái cơ cấu nhằm hoàn thiện hệ thống, hướng đến chuẩn mực của NH hiện đại, với mục tiêu hàng đầu là tăng vốn điều lệ.
Định hướng năm 2017 HDBank cũng tăng vốn điều lệ thêm 9%, lên 8.829 tỉ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Nghị quyết đại hội cổ đông mới đây của Techcombank cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng, lên gần 14.000 tỉ đồng, bằng hình thức chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông.
Danh sách NH xin cổ đông thông qua phương án tăng vốn cũng có tên những NH cổ phần lớn. Dù đang có vốn điều lệ gần 9.400 tỉ đồng, nhưng ACB cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỉ đồng trong năm 2017 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Cổ đông VPBank cũng vừa chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 14.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành gần 463 triệu cổ phiếu.
Tương tự, LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỉ đồng lên 7.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành 54 triệu cổ phần.
Có dễ tăng vốn?
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng có hai lý do khiến các NH phải đồng loạt xin tăng vốn.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH trong những năm qua bình quân ở mức 16-17%, luôn cao hơn tốc độ tăng vốn, khoảng 10-11%.
Muốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng, các NH phải tăng vốn chủ sở hữu nói chung và vốn điều lệ nói riêng.
Hơn nữa, việc tăng vốn nhằm đáp ứng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế Basel II (hiệp ước vốn do Ủy ban Basel về giám sát NH thiết lập, gồm các bộ tiêu chuẩn khắt khe về vốn nhằm đảm bảo NH hoạt động an toàn) và quy định về hệ số an toàn vốn của NH Nhà nước.
Theo yêu cầu của NH Nhà nước, có 10 NH thực hiện thí điểm phải theo đúng chuẩn Basel II. Nếu trong thời gian tới, nhóm NH này không tăng được vốn sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm cũng như toàn ngành.
Tuy nhiên theo ông Lực, việc tăng vốn của các NH hiện nay gặp nhiều khó khăn thách thức. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhưng cũng còn nhiều rủi ro và không phải lúc nào cũng thuận lợi cho việc phát hành cổ phiếu.
Thêm vào đó, việc tìm kiếm cổ đông nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống NH đang trong quá trình tái cơ cấu, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chưa kể, mong muốn giữ lại lợi nhuận để tăng vốn của các NH vấp phải sự phản đối của cổ đông, trong đó các cổ đông cá nhân và cổ đông nhà nước đều muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu.
Vậy giải pháp để tăng vốn là gì? Theo các chuyên gia, ngoài việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, các NH có cổ đông nhà nước chiếm cổ phần chi phối cần kiến nghị Nhà nước cho phép giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn, đồng thời tích cực tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.
“Tuy nhiên, một trong những rào cản hiện nay là quy định một nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu quá 20% vốn điều lệ của NH trong nước và tổng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30%, bởi nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều hứng thú khi không nắm đủ lượng cổ phần chi phối” - một chuyên gia nói.
Thông qua kế hoạch tăng vốn rồi... để đó Ngay cả những NH từng thất bại với kế hoạch tăng vốn vì nhiều lý do cũng tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay. OCB là một ví dụ. Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của NH này đã thông qua việc tăng vốn từ 4.000 tỉ lên 5.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong năm 2017, NH này tiếp tục trình lại kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Dù nhiều năm chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn, trong đó lần tăng vốn thành công gần nhất là vào năm 2012 (lên 3.080 tỉ đồng), nhiều năm cổ đông SaigonBank đều thông qua kế hoạch tăng vốn nhưng kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch... trên giấy. Tương tự, NH Việt Á cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 3.499 tỉ đồng lên hơn 4.200 tỉ đồng chưa thực hiện được năm 2016. Còn hiện nay vốn điều lệ của NH này vẫn giữ ở mức cũ. |
Cảnh báo rủi ro vốn vào bất động sản NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết tính đến cuối tháng 4-2017, tín dụng trên địa bàn TP đã tăng 5,64%, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất và kinh doanh, nhưng tỉ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây. Theo đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 75-78%, trong khi trước đây là 80-83%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất tăng dần. Do đó, NH Nhà nước lưu ý các tổ chức tín dụng cần quan tâm đến tăng trưởng tín dụng, đảm bảo phù hợp đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với huy động vốn, tuân thủ quy định về tỉ lệ an toàn trong hoạt động NH. Trước đó, NH Nhà nước VN cũng có văn bản yêu cầu các NH tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên theo các NH, việc rót vốn vào các dự án bất động sản đang gặp hạn chế do các NH đang vướng quy định về tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hiện đã giảm xuống 50% và sẽ về mức 40% vào đầu năm 2018. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận