TTCT - Những biến cố tài chính ở trời Tây mấy ngày qua đã tạo hiệu ứng sóng lan rất đáng sợ cho hệ thống tài chính toàn cầu. Bài học chung là như nhau ở mọi quốc gia. Song hành với tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu, việc gia tăng nguồn vốn tự có của các ngân hàng sẽ là yêu cầu bắt buộc để hệ thống tài chính ổn định và an toàn hơn.Ngay sau khi các áp lực về tỉ giá, lạm phát có dấu hiệu bớt nóng một chút, các tổ chức tín dụng trong nước đã có dấu hiệu mạnh tay bơm tiền hơn. Điển hình là bốn ngân hàng lớn nhất hệ thống là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank công bố gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô lên tới 370.000 tỉ đồng và 500 triệu USD vào tuần trước.Ảnh: AxiosÁp lực giải ngân tín dụngKhối ngân hàng tư nhân cũng có động thái tương tự. Sacombank đang triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc với lãi suất ưu đãi 7,5 - 8,99%/năm. Hay Ngân hàng Quân đội giảm lãi suất vay tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ đồng. Có thể thấy toàn hệ thống ngân hàng đang nỗ lực giải phóng vốn để giải bài toán lợi nhuận cho năm nay, bất chấp biên lãi ròng (NIM) có thể bị ảnh hưởng. Nhưng liệu điều này có dễ dàng?Ngân hàng đang phải đối mặt hàng loạt thách thức, mảng cho vay chủ lực bất động sản vẫn đang đóng băng, sản xuất suy yếu, nợ xấu, nhu cầu vay vốn thấp. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính vì tác động của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường, dẫn đến giảm hoặc dừng hẳn sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng trả nợ, tiêu biểu như ở ngành thép, F&B và các lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày.Lãi suất vay vốn quá cao, lên tới 13 - 15%/năm, vượt quá khả năng gồng gánh của đa số doanh nghiệp trong bối cảnh kênh tiêu thụ nội địa và thế giới ảm đạm. Kết quả là tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77% so với hồi đầu năm, con số cũng tương ứng với mức tăng trưởng quý 1-2023 chỉ 0,7% của đầu tàu kinh tế cả nước TP.HCM.Chính vì lẽ đó, việc hạ nhiệt lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của hệ thống ngân hàng. Đó cũng là con đường mà họ phải chọn để có thể tiếp tục tăng trưởng tín dụng, tìm kiếm lợi nhuận. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ hệ thống khi giảm lãi suất điều hành 1%. Dòng vốn quốc tế kỳ vọng trở lại có thể giúp ổn định tỉ giá và bổ sung một lượng tiền vào hệ thống.Dù vậy, chứng khoán ACBS nhận định trong năm nay, dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng khiêm tốn 10%, thấp hơn rất nhiều so với kết quả 34,6% đạt được năm ngoái, do cầu tín dụng yếu và chi phí dự phòng, xử lý nợ xấu tăng lên. Đối với thu nhập khác ngoài lãi, môi trường lãi suất cao và chứng khoán không thuận lợi sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư của ngân hàng.Do thị trường chứng khoán vẫn còn khiêm tốn, các thị trường vốn khác cũng chỉ ở mức độ manh nha hoặc chưa có luật chơi chặt chẽ, ở Việt Nam, ngân hàng vẫn là thực thể đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Rủi ro xuất hiện khi phần lớn nguồn vốn huy động mà ngân hàng có được chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn ngắn, trong khi phần tạo ra lợi nhuận lớn lại là các khoản cho vay trung và dài hạn với lãi suất cao hơn.Hệ quả tất yếu của chiến lược kinh doanh này là lệch pha kỳ hạn giữa tài sản và nợ. Một số ngân hàng có vốn chủ sở hữu mỏng sẽ gặp căng thẳng về thanh khoản mỗi khi có biến cố xảy ra trên thị trường, nhất là những biến cố có tính lây lan, mà các vụ đổ bể ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ thời gian gần đây là bài học nhãn tiền không thể không suy nghĩ tới.Triển vọng kinh doanh của khối ngân hàng năm nay còn phụ thuộc vào diễn biến lạm phát và tỉ giá USD/VND. Trong bối cảnh thuận lợi hơn như lạm phát đứng ở mức vừa phải, đồng USD không còn tăng giá nhanh, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, thì các ngân hàng - cùng nền kinh tế - mới hy vọng dễ thở hơn.Bóng ma nợ xấuĐịnh hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14 - 15%, tương đương năm ngoái. Nhưng đi đôi với mong muốn bơm tiền ra nền kinh tế, các ngân hàng đồng thời đối diện với rủi ro bóng ma nợ xấu lơ lửng, nhất là các ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản và tín dụng tiêu dùng tích lũy quá cao trong các năm qua.Ảnh: Stuff.co.nzMột ví dụ: Mới đây, Hãng tín nhiệm Moody's đã hạ xếp hạng lĩnh vực phát hành và tiền gửi bằng ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3 vì mức độ rủi ro cao với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Moody's cũng đã thay đổi triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực đối với Techcombank.Tính đến cuối năm ngoái, các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng chiếm 29% tổng dư nợ cho vay của Techcombank. Ngân hàng này cũng gặp rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - khoản mục đang chiếm 6% tổng tài sản của họ.Theo Moody's, tình trạng vỡ nợ của các công ty bất động sản ở Việt Nam đã gia tăng đáng kể do quy định chặt chẽ hơn xung quanh phát hành trái phiếu. Doanh số bán bất động sản cũng yếu đi vì lãi suất tăng làm giảm khả năng chi trả bằng tín dụng. Những yếu tố này làm suy yếu khả năng trả nợ của các hãng đầu tư bất động sản, đặc biệt là những công ty có đòn bẩy cao với một lượng lớn trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2024.Nhìn chung, tỉ lệ nợ xấu trong năm nay dự báo sẽ tăng mạnh, bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng. Gần đây, Ngân hàng Quân đội đã đưa khoản tín dụng hơn 3.000 tỉ đồng của một tập đoàn địa ốc xuống nhóm 3 (tức tính vào nợ xấu).Các doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều áp lực tìm kiếm nguồn vốn để đảo các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn thanh toán. Chỉ cần một lô trái phiếu không thanh toán được, toàn bộ dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp đó trong ngân hàng sẽ trở thành nợ xấu.Dự báo của ACBS nhận định chi phí dự phòng dự báo sẽ tăng 38% so với năm trước do rủi ro nợ xấu tăng lên. Bộ đệm dự phòng mặc dù vẫn còn khá dày nhưng đã mỏng đi sau quý 4-2022, do các ngân hàng phải sử dụng quỹ dự phòng để xóa sổ nợ xấu. Hoạt động thu hồi nợ ngoại bảng cũng gặp bất lợi khi thị trường bất động sản tắc nghẽn thanh khoản, khiến công tác thanh lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn.Hơn thế nữa, thị trường tài chính Việt Nam đang trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Sự cạnh tranh này không chỉ là từ phía các ngân hàng truyền thống, mà còn từ các công ty tài chính mới dạng fintech, các công ty và tổ chức cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ.Sắp tới đây, Luật các tổ chức tín dụng có thể sửa đổi theo chiều hướng thắt chặt khả năng kiểm soát ngân hàng của một nhóm cổ đông, giảm tình trạng sở hữu chéo ngân hàng. Theo dự thảo, tỉ lệ sở hữu tối đa trong một tổ chức tín dụng của một cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sẽ giảm từ 20% xuống còn 15%.Đặc biệt, tỉ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức cũng không quá 10%, giảm từ mức 15%. Việc siết chặt tỉ lệ sở hữu này có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam trong mắt giới đầu tư nước ngoài, vốn là đích nhắm hiện nay của nhiều ngân hàng nhằm mục tiêu bán cổ phần để gia tăng vốn tự có.■ Ở Mỹ, ba ngân hàng địa phương liên tiếp nối nhau sụp đổ trong chỉ 11 ngày vào tháng 3 đã dẫn tới lo ngại về một cuộc suy thoái chực chờ, khi Cục Dự trữ liên bang vẫn tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.Các nghiên cứu kinh tế vĩ mô trong quá khứ đều khẳng định mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và mức độ hoạt động kinh tế, cũng là tăng trưởng chung, của các nền kinh tế. Tuy nhiên, bài học ở Mỹ cũng chỉ có giá trị tham khảo nhất định, do thị trường vốn của nước này đã trưởng thành và hết sức đa dạng, nên trên lý thuyết cũng có sức chống chọi tốt hơn với một cú sốc ở lĩnh vực ngân hàng. Các doanh nghiệp Mỹ, ngoài vay vốn ngân hàng, còn có thể huy động tiền từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm…, nên hệ thống kinh tế cũng có một lớp đệm dày hơn, trước khi nhà nước phải can thiệp. Tags: Tăng trưởng kinh tếHệ thống tài chínhTăng trưởng tín dụngXử lý nợ xấuTổ chức tín dụngNgân hàng lớn nhấtLãi suất cho vayXử lý nợNgân hàng tư nhânGói tín dụngHệ thống ngân hàngNgân hàng nhà nướcTín dụng tiêu dùngChính sách tiền tệHệ thống kinh tế
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.