Nhiều ngân hàng công bố giảm chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch đầu năm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank vừa thông qua nghị quyết giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế giảm 40%, còn 1.318 tỉ đồng.
Ngân hàng này lý giải rằng trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề. Ngân hàng cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều chịu ảnh hưởng không mong muốn từ đại dịch. Do đó, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 11%, tương ứng 326 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu đồng thời tăng mạnh trích lập dự phòng.
Tương tự, Ngân hàng Nam Á cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 thấp hơn 14% so với năm trước, ở mức 800 tỉ đồng. Lãnh đạo NH này nêu lý do là "duy trì mức tăng trưởng phù hợp với tình hình thị trường và chú trọng củng cố nền tảng hoạt động".
Các ông lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng không thoát khỏi xu thế chung. Vừa qua, Phó thống đốc Đào Minh Tú đã yêu cầu những ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% lợi nhuận để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau chỉ đạo trên, ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho hay NH này tự động giảm lãi cho khách hàng với dư nợ được giảm là 600.000 tỉ đồng. Với việc điều chỉnh trên, ngân hàng chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận trong quý 1 - là mức tối đa trong khả năng của NH.
Năm 2020, Vietinbank cũng dự kiến cắt giảm lợi nhuận từ 3.000-4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất và giảm phí nhằm chia sẻ với khách hàng.
Theo báo cáo đánh giá tác động của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV, ngân hàng là lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19. Lý do là khi khách hàng khó khăn, họ bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ. Việc hấp thụ vốn cũng kém đi, dẫn đến nguồn thu của ngân hàng giảm.
Mặt khác, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh do khách hàng gặp khó khăn. Khi đó, ngân hàng một mặt phải cho vay với lãi suất mềm hơn một mặt phải tăng trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến lợi nhuận giảm.
Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán SSI cũng đưa ra dự báo rằng nhiều ngân hàng sẽ phải tăng chi phí dự phòng để chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng trong các quý sắp tới, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận