27/10/2022 08:00 GMT+7

Ngân hàng đua lãi suất, người gửi tiền... 'đau đầu'

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Nhiều người có tiền nhàn rỗi đang "đau đầu" khi quyết định gửi tiết kiệm bởi lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng, mới gửi ở ngân hàng này lại phải rút tiền ra gửi ngân hàng khác với lãi suất cao hơn nhiều.

Ngân hàng đua lãi suất, người gửi tiền... đau đầu - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động với nhiều hình thức thu hút người gửi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong ngày 26-10, lãi suất huy động cao nhất được các ngân hàng công bố đã lên mức 9,3% với kỳ hạn 15 tháng trở lên, thậm chí có tình trạng các chi nhánh chào lãi suất lên tới... 9,7%/năm, cao hơn biểu lãi suất được công bố chính thức.

Lãi suất huy động gần 10%/năm!

Theo biểu lãi suất mới công bố của SCB, lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 15 tháng đều tăng lên mức 9,3%/năm, cao nhất thị trường hiện nay. Lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt ở mức 9,15%/năm và 9,25%/năm...

Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm. Cộng thêm coupon 0,5%/năm, người gửi tiền cũng được hưởng lãi suất lên đến 9,3%/năm nếu gửi 12 tháng.

Cùng ngày, Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất tiền gửi từ 0,5 - 1,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. Riêng các khoản gửi dài từ 18 tháng trở lên, lãi suất lên đến 8,9%/năm.

Cũng từ ngày 26-10, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được VPBank áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%/năm, mức lãi suất cao nhất lên tới 8,7%.

Lãi suất huy động cao nhất tại Ngân hàng Nam Á lên đến 8,4%/năm cho các kỳ hạn gửi từ 18 tháng trở lên, các kỳ hạn từ 12-17 tháng ở mức 8,2%/năm. Kỳ hạn 6 và 9 tháng ở mức 7,9%/năm...

Các ngân hàng khác như ACB, Techcombank, VIB cũng nâng lãi suất huy động theo xu hướng chung. Đặc biệt có tình trạng các chi nhánh ngân hàng chào lãi suất tiết kiệm cao hơn nhiều so với biểu lãi suất niêm yết, thậm chí lên đến 9,7%/năm, đặc biệt với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng do nhu cầu gửi tiền tập trung vào hai kỳ hạn này.

Gửi kỳ hạn ngắn để linh động?

Chị Phương Minh (Q.10, TP.HCM) cho hay vừa gửi tiết kiệm ở một ngân hàng lớn với lãi suất 7,4%/năm, nhưng ba ngày sau có ngân hàng khác áp mức lãi suất 8%/năm cùng kỳ hạn nên chị lại rút ra để gửi ở ngân hàng này để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, với việc lãi suất liên tục tăng, trong đó các kỳ hạn ngắn như 6 tháng đã trên 8% khiến người gửi tiền khá đắn đo.

Chị Thu Trúc (Q.12) cho hay trước đây lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn thường thấp hơn kỳ hạn dài nhưng nay chỉ gửi 6 tháng lãi suất cũng hơn 8%/năm. Trong khi đó, gửi 12 tháng có thể có lãi suất trên 9%/năm nên chị không gửi dài để có thể linh động gửi mức lãi cao hơn khi đáo hạn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng xu hướng lãi suất còn tăng nên người gửi tiền nên gửi ngắn hạn để linh động hơn vì nếu gửi dài hạn rồi rút trước hạn sẽ chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn.

"Nếu kỳ vọng lãi suất còn tăng, nên gửi kỳ hạn ngắn. Khi xu hướng lãi suất chựng lại, mới nên gửi dài", ông Huân gợi ý.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) khuyến cáo người gửi tiền nên theo sát tín hiệu thị trường vì lãi suất không thể tăng mãi, mức trên 9%/năm cũng đã là cao. "Nếu có tiền nhàn rỗi, nên chọn kỳ hạn 12 tháng vì lãi suất kỳ hạn này đã gần bằng với mức lãi suất cao nhất", vị chuyên gia này nói.

Tăng để đảm bảo lãi suất thực dương

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng động thái điều chỉnh lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng là nhằm đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. "Mức lãi suất tiền gửi 8%, thậm chí trên 9%/năm, là rất hiếm hoi trong 5-7 năm trở lại đây", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, tùy chiến lược kinh doanh, các ngân hàng sẽ cân nhắc mức lãi suất cho phù hợp. Việc tăng lãi suất chắc chắn ngân hàng không mong muốn vì lãi suất đầu vào tăng, chắc chắn lãi suất đầu ra sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, mức tăng lãi suất cho vay là bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có phương án kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng.

Cạn Cạn 'room' tín dụng, ngân hàng chần chừ tăng thêm lãi suất huy động

TTO - Hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng còn hạn hẹp là một trong những lý do khiến các ngân hàng chần chừ tăng thêm lãi suất huy động.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên