Trụ sở Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP |
Ngày 13-5, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Chile Michelle Bachelet, chủ tịch Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần (Jin Liqun) đã công bố quyết định kết nạp thêm 7 thành viên mới.
Sự gia nhập của Bahrain, Bolivia, Chile, Síp, Hi Lạp, Romania và Samoa đã nâng tổng số quốc gia thành viên của AIIB - một thiết chế do Trung Quốc sáng lập lên con số 77.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 3, AIIB đã liên tục kết nạp tổng cộng thêm 13 thành viên mới, bao gồm cả Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục đứng ngoài sáng kiến này.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13-5, ông Kim Lập Quần nhấn mạnh: "Mạng lưới cơ sở hạ tầng tốt chạy khắp châu Á sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Chile tiến vào thị trường mới. Ngược lại, cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt ở Chile sẽ gắn kết hai châu lục lớn của thế giới là châu Á và châu Mỹ".
Đáp lại, nữ tổng thống Chile bày tỏ sự tin tưởng về sự liên kết của hai châu lục trong tương lai, đề cập đến ý tưởng xây dựng tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương để cải thiện mạng lưới kết nối châu Á và châu Mỹ.
"Có thể xem tuyến cáp quang là một phần của Sáng kiến vành đai, con đường; biến Thái Bình Dương trở thành cầu nối cho các khu vực giữa hai châu lục", Reuters dẫn lời bà Bachelet.
Nhà lãnh đạo Chile cũng tiết lộ những dự án khác cũng nằm trong sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng bao gồm xây dựng một loạt các đường hầm và đường cao tốc xuyên dãy núi Andes, hay các cảng biển liên kết Nam Mỹ và châu Á.
Theo ông Kim Lập Quần, sự mở rộng của AIIB trong vòng 3 năm qua từ mức chỉ có 20 nước ban đầu kí bản ghi nhớ thành lập đến sự mở rộng "từ châu Phi đến châu Âu rồi sang Nam Mỹ" đã cho thấy tầm vóc và sứ mệnh cam kết toàn cầu của ngân hàng.
AIIB được xem là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới do Mỹ hậu thuẫn và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản khởi xướng.
Tuy nhiên, phát biểu trong hội nghị thường niên của ADB mới đây ở Nhật Bản, người đứng đầu ADB đã thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với thiết chế tài chính của Trung Quốc hơn là cạnh tranh.
Cũng bên lề hội nghị đó, Trung Quốc và Nhật Bản - hai cường quốc kinh tế số 2 và số 3 của thế giới cũng đã "bắt tay" nhau tổ chức đối thoại, thảo luận về tương lai của nền kinh tế châu Á trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nhen nhóm.
Bản đồ kết nối giao thương trên đất liền và trên biển theo sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc. |
Ngày mai (14-5), 29 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới sẽ tham dự thượng đỉnh "Vành đai, con đường" tại Trung Quốc. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5, quy tụ nhiều lãnh đạo và đoàn đại biểu các nước trên thế giới, bao gồm cả đoàn đại biểu Mỹ và Triều Tiên, theo Reuters.
Hội nghị được coi là dịp để Trung Quốc thúc đẩy tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tương lai mở rộng mối quan hệ giữa châu Á , châu Phi và châu Âu với hàng trăm tỷ USD được đổ vào cơ sở hạ tầng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận