Nhiều doanh nghiệp hiện nay mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: công nhân sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
VN có lợi thế là chống dịch tốt nên nếu có chính sách kịp thời ngay thời điểm này sẽ giúp DN có lợi thế bứt phá, tận dụng thời cơ đi trước các nước.
Doanh nghiệp kêu gì?
Ông Nguyễn Đức Hưng - giám đốc điều hành Công ty CP sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu cà phê Napoli - cho biết dịch COVID-19 đã quật ngã 60% trong số hơn 2.000 điểm kinh doanh cà phê nhượng quyền với thương hiệu Napoli, khiến DN đối diện với muôn vàn khó khăn, bởi các chi phí như mặt bằng, nhân viên, kho bãi... vẫn phải duy trì.
Để có nguồn vốn khôi phục sản xuất và kinh doanh, ông Hưng đã tìm hiểu các gói vay ưu đãi của các ngân hàng (NH) nhưng cái khó là NH yêu cầu phải có tài sản đảm bảo và có lãi, trong khi DN ngành ẩm thực mặt bằng chủ yếu đi thuê.
Còn ông Huỳnh Quang Thanh - phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN - cho biết ngành chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều DN đóng cửa, cắt giảm nhân công và không ít DN chỉ còn lại "bộ khung", nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng gặp phải hàng loạt rào cản.
Chẳng hạn, thay vì giảm lãi suất, có NH lại tăng lãi suất cho vay với lý giải là rủi ro cao trong thời buổi dịch bệnh. "Lẽ ra NH phải như máy trợ thở, giúp DN vượt khó chứ không nên tăng lãi vay" - ông Thanh nói.
Theo ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, để hỗ trợ DN nhanh chóng được tiếp cận vốn, các NH nên đưa ra nhiều giải pháp giảm tỉ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với DN có nhập khẩu nguyên liệu; kéo dài thời gian vay vốn lưu động, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng...
"Các NH nên giảm hoặc miễn lãi suất cho vay, gia hạn thời gian trả nợ cho các DN đang gặp khó khăn" - ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), đề xuất.
Không hạ chuẩn cho vay
Ông Lê Đức Thọ - chủ tịch HĐQT NH Công thương VN (VietinBank) - cho hay để hỗ trợ các DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau Covid-19, NH này đã triển khai các gói hỗ trợ như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất, giãn nợ... cho DN.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN chưa được tiếp cận các chương trình ưu đãi, hoặc không được xét cho vay mới do phương án kinh doanh không khả thi, không đáp ứng được điều kiện mà NH đưa ra từ trước dịch COVID-19. Nhiều DN đã vay lãi suất ưu đãi trước đó nên NH không giảm thêm lãi suất.
"NH không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng vì sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu cho cả NH lẫn DN, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế sau này. NH chỉ có thể giải ngân khi DN có phương án khả thi, hiệu quả. Với những DN không đủ điều kiện, NH sẽ yêu cầu DN chứng minh lại tính khả thi của dự án, bổ sung những yêu cầu còn thiếu.
Nếu vẫn không thể đáp ứng, NH sẽ có trả lời cụ thể bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho vay gửi cho DN, hiệp hội trên địa bàn... để thông tin rõ. Tín dụng của NH đang âm 2%, chúng tôi cũng chịu áp lực phải mở rộng cho vay nhưng không vì thế mà hạ chuẩn" - ông Thọ nói.
Ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho hay NH này tự động giảm lãi cho khách hàng với dư nợ được giảm là 600.000 tỉ đồng. Những DN thuộc những ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp được giảm 10% trên số lãi phải trả đến ngày 30-9, những DN thuộc những ngành nghề chịu ảnh hưởng gián tiếp được giảm 5% trên số lãi phải trả đến ngày
30-6. NH chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận trong quý 1, mức tối đa trong khả năng của NH.
"Cũng có một số DN có ý kiến phản ánh, nhưng đây là những DN không có phương án kinh doanh đảm bảo, vốn tự có không có... Trong khi NH cho vay phải đảm bảo thu hồi được nợ.
NH đẩy mạnh số hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng vì sẽ để lại nhiều rủi ro sau này" - ông Thành khẳng định.
Ông Phạm Văn Việt (tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean): Nên tạm ngừng đóng BHXH
Ông Phạm Văn Việt
Nên cho phép các DN và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm tai nạn (BHTN), thậm chí tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh có thể được miễn đóng với mức tương ứng. Dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại DN sẽ lo nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Nếu chưa có chính sách miễn giảm BHXH, Chính phủ nên dừng ngay thu phí công đoàn từ tháng 3-2020 để giúp DN có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động thiếu việc làm. Có cơ chế dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN cho DN vay không lấy lãi để chi trả cho người lao động. Đề nghị BHXH cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ BHXH của DN dệt may...
Ông Nguyễn Trung Thực (chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt - Đức): Gia hạn cả thuế nhập khẩu
Ông Nguyễn Trung Thực
Chính phủ nên xem xét miễn hoặc giảm một nửa tiền thuế thu nhập DN, tiền thuê đất để DN có thêm động lực vực dậy tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, sớm gia hạn 3-6 tháng hoặc lâu hơn đối với tiền thuế VAT và các sắc thuế phải nộp trong khâu nhập khẩu.
Theo quy định, với hàng nhập khẩu, DN phải nộp thuế ngay mới được thông quan. Trong bối cảnh hiện nay, hàng nhập về sản xuất nhưng chưa tiêu thụ được hoặc đầu ra rất chậm. Nếu phải ứng tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... ngay, nhiều DN phải vay NH để nộp thuế nhưng đâu phải lúc nào cũng vay được.
Ông Trương Gia Bình (trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân): Giảm 50% thuế để kích cầu tiêu dùng
Ông Trương Gia Bình
Phải xem xét giảm 50% thuế VAT và tiền cho thuê đất để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch. Bộ Tài chính lập luận rằng VAT là thuế gián thu, không ảnh hưởng trực tiếp tới các DN là chưa chính xác.
Bởi các DN hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh và duy trì lao động, việc bỏ ra thêm 10% thuế VAT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả gây nhiều khó khăn cho các DN, đồng thời cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà DN cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận