Giải pháp công nghệ Blockchain được cho là sẽ làm giảm chi phí và gánh nặng hành chính đối với ngân hàng và khách hàng
Đó là phát biểu của ThS. Lê Phú Lộc, Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại Hội thảo khoa học "Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam".
Ông Lộc cho rằng, giải pháp công nghệ Blockchain cũng sẽ làm giảm chi phí và gánh nặng hành chính đối với ngân hàng và khách hàng của họ.
Lấy dẫn chứng từ "Báo cáo Fintech 2.0" của Santander InnoVentures, ông cho hay công nghệ Blockchain theo ước tính có thể giúp giảm chi phí cơ sở hạ tầng của ngân hàng khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm tính đến năm 2022.
Cũng theo ông Lê Phú Lộc, công nghệ Blockchain đang nhận được rất nhiều quan tâm không chỉ của các công ty công nghệ mà còn các doanh nghiệp, tập đoàn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các chính phủ và cơ quan quản lý. "Nó cho phép các công ty, ngân hàng thực hiện và xác minh các giao dịch tài chính trên mạng ngay lập tức mà không cần thông qua một cơ quan trung ương hoặc một "máy chủ"", ông nói.
"Ngoài việc đẩy nhanh hoạt động chuyển tiền, Blockchain còn có thể giúp các ngân hàng hoạt động liên tục (24 giờ/một ngày). Điều này phần nào đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng trong việc mong muốn thực hiện giao dịch ngân hàng liên tục, bất cứ lúc nào, ngày hay đêm.
Với những yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, những khách hàng ngày nay luôn cần và mong muốn các giao dịch thanh toán của họ được thực hiện một cách tốt hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn", ông Lộc cho hay.
Trong 2 năm vừa qua, các ngân hàng và các tổ chức tài chính trên toàn cầu đặc biệt quan tâm tới công nghệ Blockchain. Các tổ chức này đã chi hàng nghìn USD nghiên cứu về các khái niệm liên quan đến Blockchain, phát hành ra hàng loạt báo cáo và tham gia vào các đơn vị đa ngành để tìm ra cách sử dụng và ứng dụng công nghệ Blockchain.
Đưa ra số liệu dự báo từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ông Lộc cho biết hết năm 2017, sẽ có 80% ngân hàng sẽ khởi động các dự án về Blockchain. Thực tế trong 3 năm 2014-2016, đã có 1,4 tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này và 90 ngân hàng trung ương quan tâm xem xét công nghệ này.
"Ở Việt Nam, khái niệm về công nghệ Blockchain còn khá mới mẻ, nhiều ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý còn chưa thực sự hiểu rõ khái niệm và cơ chế vận hành của Blockchain nói chung và ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán nói riêng", đại diện Viện chiến lược NHNN nói thêm.
Khảo sát của Viện đối với các tổ chức tín dụng về mức độ quan tâm và định hướng phát triển liên quan đến các khía cạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy các ngân hàng Việt Nam đều có định hướng đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ của mình. Đặc biệt có một số ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến một số công nghệ mới hiện đại như Blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, rô-bốt tự động…
Ông cũng nhấn mạnh: "Với những dự báo tích cực của WEF về sự quan tâm của các ngân hàng trung ương, hệ thống tài chính ngân hàng trên thế giới đối với công nghệ Blockchain, NHNN và các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ đối với một số công ty cung cấp giải pháp công nghệ Blockchain uy tín toàn cầu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận