Những ngày gần đây dồn dập số liệu về số doanh nghiệp phá sản, tín dụng tăng thấp cùng với đó là lượng tiền gửi tại ngân hàng tăng cao.
Theo số liệu cập nhật gần nhất thì tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, tăng gần nửa triệu tỉ đồng so với cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng hơn 4,7%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay.
Tình thế của các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào cầm "hòn than đang cháy" vì ôm một đống vốn và phải trả lãi đều cho người gửi tiền nhưng lại không cho vay được. Đây không phải lần đầu mà 10 năm trước, năm 2013 các ngân hàng cũng lâm vào tình thế bị "phỏng tay" như vậy và phải đua nhau giảm mạnh lãi suất huy động.
Thế nhưng tình hình hiện nay còn khó khăn hơn 10 năm trước bởi doanh nghiệp vừa trải qua hai năm đại dịch lại phải đối mặt ngay với suy thoái kinh tế, "sống mòn" với sức mua kém.
Do vậy nội chỉ lo chuyện tồn tại thôi đã là quá khó nói gì đến việc dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng thừa thanh khoản nhưng mỏi mắt không tìm ra được khách hàng tốt để cho vay. '
Người dân thì có tâm lý phòng thủ, gửi tiền ở ngân hàng chờ tín hiệu tốt mới dám bung ra. Mới qua hai quý nhưng các tổ chức quốc tế đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vậy làm sao để khơi dòng vốn ra thị trường?
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ dám vay vốn làm ăn khi sức mua hồi phục trở lại. Hiện nay khó khăn bủa vây trong khi sức mua của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều suy giảm.
Khi doanh nghiệp thấy đầu ra gặp khó thì chắc chắn họ sẽ không có nhu cầu huy động thêm vốn để mở rộng. Nếu có thì phần nhiều sẽ đến từ nhu cầu tái cấu trúc nợ, đảo nợ hoặc duy trì thanh khoản hoạt động.
Chưa kể nếu doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thật thì hiện nay việc huy động vốn cũng không dễ, một phần vì ngân hàng thận trọng trong việc cho vay, một phần vì người dân không còn tin tưởng vào các sản phẩm tài chính, lãi suất cho vay lại giảm chậm.
Chính vì vậy để khơi thông dòng vốn phải chờ tín hiệu từ sự cải thiện lòng tin của người dân vào các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, áp lực nợ xấu ngân hàng không còn đè nặng và lãi suất giảm về mức đủ để doanh nghiệp hấp thụ được.
Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thị trường bất động sản ấm trở lại để giúp chủ doanh nghiệp, người dân xoay vòng được lượng tiền đã bị "ghim" vào bất động sản và từ đó cải thiện tâm lý cũng như hành vi tiêu dùng, đầu tư.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài những biện pháp mà Chính phủ, bộ, ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.
Tinh thần là doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại. Như vậy mới tìm được lối ra trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận