Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" vừa được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội.
Tín dụng tăng chậm do doanh nghiệp khó khăn
Đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp, phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã có chung nhận định do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước suy giảm. Do vậy, đơn hàng của doanh nghiệp bị thiếu hụt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải tạm dừng hoạt động dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Đề xuất giải pháp giúp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, ông Trần Long, phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV chia sẻ là một trong những định chế tài chính lớn, BIDV luôn tiên phong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp: BIDV chủ động giảm lãi vay, phí dịch vụ
Cụ thể, ông Long cho biết, đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31 năm 2022, BIDV ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn toàn hệ thống.
Doanh số cho vay lũy kế đến ngày 30-6 đạt 16.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5.000 tỉ đồng.
Thực hiện Thông tư 02 năm 2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, tính đến 30-6, tổng dư nợ cơ cấu tại BIDV là khoảng hơn 20.000 tỉ đồng.
Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, BIDV dành gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng. Tính đến nay, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố phê duyệt cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn đưa ra gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà.
"Đầu tháng 7 này, BIDV được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14%. Ngay lập tức chúng tôi đã kịp thời triển khai trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp" - ông Long thông tin.
Ngoài ra, cũng theo ông Long, BIDV còn chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ - có, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng BIDV đã giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, BIDV còn chủ động miễn, giảm phí dịch vụ như chương trình DigiUp dành cho doanh nghiệp sử dụng sản phẩm ngân hàng số BIDV iBank; BIDV iConnect với hơn 12 loại phí được miễn/giảm; Chương trình Trade Booming ưu đãi về tỷ giá, miễn phí chuyển tiền quốc tế… cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Mặt khác, BIDV chủ động số hóa nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay. Theo đó, ngân hàng ứng dụng công nghệ; số hóa quy trình từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đến phê duyệt, giải ngân nhằm đơn giản hóa thủ tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận