Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo trước khi vào nội thành TP.HCM chiều 16-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ ngày 1-2 đến 14-3, dịch bệnh đã xảy ra tại 17 tỉnh thành (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 23.400 con.
Tăng tiền hỗ trợ, trả tiền nhanh
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết dù Chính phủ đã đồng ý sửa đổi mức hỗ trợ cho heo tiêu hủy lên tối thiểu là 80% giá trị thị trường, nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc vào ngân sách của các địa phương. Do vậy, để nhận được tiền đền bù do tiêu hủy, người dân vẫn tốn rất nhiều thời gian và đến nay ông Công cũng chưa rõ đã có hộ dân nào nhận được mức đền bù mới này chưa.
Theo ông, nên áp dụng biện pháp đếm số lượng đầu con để kiểm soát. Mức hỗ trợ mà Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị là 1 triệu đồng/con cho heo con (dưới 20kg), heo choai (21 - 50kg) hỗ trợ 2 triệu đồng/con, heo thịt (51 - 100kg) hỗ trợ 4 triệu đồng/con. Với heo nái, heo nọc đang khai thác hỗ trợ 6 triệu đồng/con.
Trường hợp vẫn áp dụng mức đền bù 80% giá thị trường thì phải thêm quy định mức giá tối thiểu là 38.000 đồng/kg mới giúp người chăn nuôi không bán tháo heo ra thị trường gây lây lan dịch. Đồng thời, người chăn nuôi phải nhận được tiền hỗ trợ kịp thời sau 15 ngày tiêu hủy ở các kho bạc địa phương.
Bình Thuận phòng ngừa nghiêm ngặt
Mặc dù tại địa phương chưa xuất hiện dịch ASF nhưng Bình Thuận đang nghiêm ngặt thực hiện tất cả các biện pháp để phòng ngừa. Địa phương có tuyến quốc lộ 1, là cửa ngõ vào các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ nên công tác phòng ngừa khẩn trương hơn.
Tất cả cửa ngõ ra vào Bình Thuận đều được chốt chặn bằng các trạm kiểm dịch tạm thời; các huyện trong tỉnh cũng lập chốt để kiểm soát trên những trục tỉnh lộ, đường nhánh.
Thành phần của chốt kiểm dịch gồm: ngành thú y, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thanh tra giao thông. Hiện lực lượng tại các chốt kiểm soát chặt chẽ xe vận chuyển heo và hoạt động 24/24 giờ. Xe vận chuyển heo cũng như tất cả gia súc gia cầm, sản phẩm từ heo đều phải có giấy kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tất cả đều phải phun thuốc sát trùng, tiêu độc.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã phun khử trùng được 1.293 lít thuốc sát trùng.
Ông Sín A Minh, hộ nuôi heo ở ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, phun thuốc sát trùng để diệt khuẩn, ngăn ngừa mầm bệnh trong trại nuôi (ảnh chụp trưa 15-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngăn buôn bán "chạy dịch"
Bệnh ASF chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt và chưa xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn (đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại Hải Phòng). Dù vậy, nguy cơ bệnh tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới rất cao.
Kết quả bước đầu điều tra, xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến dịch ASF tại các tỉnh thành là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có heo bệnh, heo chết đã lén lút mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ khiến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Nhận định này cũng tương đồng với nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch tại Trung Quốc: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng.
Do đó, việc ngăn chặn phát tán heo bệnh ra thị trường là cực kỳ quan trọng, nhất là sự chủ động khai báo dịch của người chăn nuôi.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Lào, Campuchia cũng "giăng lưới"
Theo tờ Vientiane Times, đầu tuần rồi, nhà chức trách tại tỉnh Saravane, miền Nam Lào, đã tịch thu và tiêu hủy 350kg thịt và nội tạng heo nhập từ Việt Nam.
Một quan chức Lào cho biết trong quá trình xử lý các sản phẩm làm từ thịt heo nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF), họ phải chôn số hàng tịch thu đủ sâu để đảm bảo virút không thể sống sót. Đây là lần tịch thu thứ 2 tại tỉnh Saravane sau khi Bộ Nông lâm nghiệp Lào ra thông báo tạm ngưng nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm làm từ thịt heo từ Trung Quốc và Việt Nam vào tháng trước.
Tại Campuchia, cũng từ tháng 2, Bộ Y tế và nông nghiệp đã ban hành chỉ đạo nêu chi tiết các biện pháp cấp bách để ngăn lây lan ASF, theo tờ Phnom Penh Post. Theo đó, Campuchia cấm nhập khẩu heo sống và các sản phẩm heo trái phép qua biên giới, tất cả sản phẩm làm từ thịt heo phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh từ nước xuất khẩu, tăng cường kiểm tra sức khỏe heo trong nước, truyền đạt cho nông dân các kiến thức ngăn lây lan ASF...
Trong khi đó, lực lượng chức năng Mỹ mới đây đã tịch thu hơn 450 tấn thịt heo được tuồn từ Trung Quốc tới một cảng ở bang New Jersey, giữa nỗi lo số thịt này có thể nhiễm ASF. Hãng tin Bloomberg ngày 16-3 cho biết đây là vụ thu giữ các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất từng diễn ra ở Mỹ.
BÌNH AN
Ông TRẦN PHÚ CƯỜNG - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương:
Kiểm soát nguồn gốc trước khi vào lò mổ
Để quản lý chất lượng thịt heo, hạn chế các loại dịch bệnh nói chung, thời gian gần đây cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ heo. Bình Dương có kế hoạch lập hai chốt kiểm dịch tạm thời, một ở phía cửa ngõ gần tỉnh Đồng Nai, một ở phía cửa ngõ gần tỉnh Bình Phước để kiểm soát, không cho heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc từ các tỉnh vào Bình Dương.
Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương phối hợp quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường... đã tăng cường tần suất kiểm tra đối với thịt heo thời gian gần đây. Kết quả kiểm tra cho thấy sau khi tăng cường, chỉ trong một tuần chúng tôi đã phát hiện 11 trường hợp vận chuyển heo không rõ nguồn gốc từ Đồng Nai sang nên đã lập biên bản, xử lý. Chúng tôi cố gắng không để heo không rõ nguồn gốc vào lò mổ để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Ông HUỲNH TẤN PHÁT - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM:
Kêu gọi dân bán bớt heo
Hiện đơn vị đã đề xuất thêm nhiều giải pháp phòng chống dịch. Theo đó, sẽ làm việc với Hội Nông dân TP để vận động, hỗ trợ người nuôi bán bớt lượng heo nhất định (đạt 90kg trở lên) nhằm tránh áp lực khi dịch xảy ra; xin thêm kinh phí để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ thêm thuốc tiêu độc khử trùng cho nông dân để phòng dịch khi xảy ra.
Bên cạnh đó, TP.HCM là thị trường tiêu thụ trung bình khoảng 11.000 con/ngày, nên cần phải làm việc với các tỉnh để chuẩn bị nguồn heo khi dịch xảy ra và sau dịch. Ngoài ra, công tác kiểm soát ở các chợ cũng cần được xem lại để đưa ra giải pháp phù hợp.
Thời gian heo nhập chợ, đặc biệt là chợ đầu mối, thường diễn ra khoảng 2-3h sáng mỗi ngày, trong khi lực lượng quận, huyện trực tiếp quản lý có hạn, chỉ làm việc ban ngày. Để tránh tình trạng heo không đảm bảo chất lượng trà trộn vào, cần có cách thức tổ chức, kiểm soát phù hợp.
Ông LÊ VĂN TIỂN - Phó giám đốc Chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn):
Cấm heo đông lạnh nhập chợ
Từ thời điểm có thông tin dịch bùng phát, cơ quan quản lý chợ đã tuyên truyền cho thương nhân phải nhập heo về có nguồn gốc, kiểm dịch. Ngoài ra, nghiêm cấm nguồn heo đông lạnh nhập chợ, bởi loại heo này không có nguồn gốc rõ ràng, thiếu cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng. Tiêu độc khử trùng đối với tất cả heo ra chợ đầu mối, tăng gấp đôi lượt tiêu độc khử trùng tại khu kinh doanh thịt.
NGUYỄN TRÍ - BÁ SƠN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận