07/07/2019 10:08 GMT+7

Ngăn cháy rừng từ chính sách lâm nghiệp

TRẦN NAM THẮNG (khoa lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế)
TRẦN NAM THẮNG (khoa lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế)

TTO - Ơn trời, đã có mưa! Những "cơn mưa vàng" ở Bắc Trung Bộ đã cứu cánh rừng đang cháy. Nhưng thần may mắn sẽ không mãi mỉm cười nếu không có những quyết sách thay đổi phù hợp cho lâm nghiệp.

Ngăn cháy rừng từ chính sách lâm nghiệp - Ảnh 1.

Rừng keo đang “đuổi” rừng tự nhiên ngày càng vào sâu, xa hơn (ảnh chụp ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) - Ảnh: TR.NAM THẮNG

Các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn đang phải gồng mình chống cháy rừng. Hiểm họa trước mắt này có nguyên nhân từ chuyện thiếu quy hoạch lâm nghiệp và phát triển rừng trồng tràn lan.

Rối càng thêm rối

Nhiều địa phương ồ ạt chặt phá rừng tự nhiên, xâm lấn đất rừng thông qua các chương trình, dự án, doanh nghiệp thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 

Ví dụ như vụ mất hơn 9.000ha rừng phòng hộ ở Đức Cơ, Gia Lai báo chí đã đề cập đầu tháng 6-2019. Những vụ xâm lấn ở quy mô nhỏ nhưng diễn ra khắp các tỉnh thành qua khai thác gỗ trái phép, chuyển đổi sử dụng đất, lấn rừng từng ngày, từng tháng, từng năm... 

Đến cả đầu độc rừng như vụ đầu độc 674 cây thông (khoảng 25 năm tuổi) trên diện tích 16.800m2, thuộc tiểu khu 274, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, tỉnh Lâm Đồng quản lý.

Ở nhiều địa phương, quy hoạch lâm nghiệp có trước nhưng các quy hoạch khác vẫn chồng lấn lên diện tích đất lâm nghiệp. 

Có những tỉnh đã phải điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp đến 4 - 5 lần nhưng vẫn chưa xong! Trong khi với Luật lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2019), quy hoạch lâm nghiệp lại phải phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Rối lại càng thêm rối!

Thiếu quy hoạch, thiếu kế hoạch cụ thể và hầu như không kiểm soát việc phát triển rừng trồng dẫn đến việc trồng tràn lan, gần như hoàn toàn độc canh các loại cây keo, thông, bạch đàn... Việc xen canh, đa canh hầu như không được xúc tiến. 

Việc phát triển và trồng xen cây bản địa cũng chỉ thử nghiệm trên quy mô nhỏ ở các công ty lâm nghiệp nhà nước và một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài. 

Ai làm trong ngành lâm nghiệp cũng đều biết: khi tính đa dạng các loài cây càng thấp, nguy cơ cháy rừng càng cao!

Ngăn cháy rừng từ chính sách lâm nghiệp - Ảnh 2.

Ông Trần Nam Thắng - Ảnh: NVCC

Hiểm họa rừng trồng

Rừng trồng của cá nhân và hộ gia đình thường không chừa băng xanh và hàng rào cản lửa, hàng rào chắn gió. 

Với địa hình phức tạp và chia cắt như ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ thì không một loại phương tiện hoặc trang thiết bị hiện đại nào có thể tiếp cận. Khi xảy ra hỏa hoạn, việc cứu chữa hầu như là bất khả thi. Điều này đã diễn ra trong đợt cháy rừng vừa qua.

Nhiều người có thể thấy mát mắt và tự hào về công tác trồng rừng và phát triển rừng khi đi ngang qua những cánh rừng trồng bạt ngàn, xanh mướt trải dài nối tiếp nhau. 

Nhưng với những người trong ngành lâm nghiệp luôn cảm thấy rùng mình ớn lạnh khi thoáng nghĩ và tưởng tượng đến hậu quả nếu ai đó vô tình hay cố ý để xảy ra một vụ cháy ở những khu vực này trong mùa khô hanh kết hợp với gió tây nam thổi mạnh.

Việc quy định đối với việc phát triển rừng trồng, đặc biệt là với đối tượng chủ rừng là cá nhân hay hộ gia đình hiện đang thiếu và yếu. 

Các đối tượng này không chịu bất kỳ ràng buộc nào (hoặc có quy định nhưng không bị giám sát, kiểm tra) về chọn loài cây trồng, quy cách, kỹ thuật, phương thức trồng, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, không đốt và xử lý thực bì khi cấp cháy rừng đang ở mức 4 - 5...

Có thể thấy rõ điều này qua phương thức khai thác của người dân địa phương vùng núi ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... 

Sau khi khai thác rừng keo, họ phơi và đợi gốc, cành nhánh nhỏ, lá, vật rơi rụng... khô hoàn toàn, họ sẽ đốt toàn diện tích. Hạt giống cây keo rụng từ trước nằm dưới đất sẽ bị kích thích bởi nhiệt độ cao, chỉ cần có mưa là nảy mầm, tái sinh tự nhiên khá mạnh. 

Dù năng suất, sản lượng và chất lượng của rừng trồng theo phương thức này không cao, nó vẫn được các hộ gia đình nghèo lựa chọn vì mức đầu tư thấp, mất rất ít công lao động... 

Tuy nhiên, nguy cơ cháy rất lớn nếu không được kiểm soát. Ngày càng có thêm nhiều rừng trồng ở những khu vực cao, sâu, xa, địa hình hiểm trở - nơi đáng ra, bắt buộc phải là rừng tự nhiên. 

Và chính những nơi này là xuất phát điểm của nhiều vụ cháy rừng và cháy lan sang diện tích rừng tự nhiên lân cận do sự vô tình lẫn cố ý của con người.

Ngăn cháy rừng từ chính sách lâm nghiệp - Ảnh 3.

Rừng thông ở Thừa Thiên Huế vừa cháy hôm 28-6 - Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

Không bây giờ thì bao giờ?

Việc tận dụng đất quá mức để trồng rừng, trồng ngay sát bờ lô, trồng trên đường ranh giới làm tăng nguy cơ khi xảy ra sự cố cháy rừng. 

Đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 7-2019), chỉ tính riêng ở tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 34 vụ cháy, thiệt hại đến 104ha rừng trồng, trong đó có đến 102ha rừng của cá nhân và hộ gia đình. 

Bình Định đã xảy ra 12 vụ cháy và thiệt hại hơn 4ha cả rừng trồng và rừng tự nhiên. Thiệt hại ở Thừa Thiên Huế là hơn 150ha, trong đó có đến 70 - 80ha rừng trồng là của các hộ gia đình và cá nhân. Núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh cũng đã bị cháy hơn 50ha các diện tích keo, thông, bạch đàn... cùng với nguy cơ bùng phát trở lại rất lớn.

Ở một số địa phương, cháy rừng xảy ra chủ yếu là trên diện tích của các tổ chức. Do nhu cầu cần đất để canh tác nên người dân luôn tìm cách phát, đốt và lấn chiếm dần để trồng rừng, phát triển kinh tế hộ. 

Việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân còn thiếu minh bạch, chưa khách quan, công bằng tạo bức xúc trong dân và nghi kỵ. Từ đó, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, hiềm khích và hủy hoại tài sản của nhau.

Những "cơn mưa vàng" trong cơn hỏa hoạn như vừa qua là may mắn sẽ không còn mãi nếu chúng ta không có những thay đổi, điều chỉnh và quyết sách phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu bất thường và khó lường như hiện nay. 

Điều chỉnh quy hoạch và chính sách phù hợp để phát triển lâm nghiệp và các ngành nghề có liên quan là việc cấp thiết phải làm. Nếu chúng ta không thực hiện các công việc này bây giờ thì đợi đến bao giờ?

Nguyên nhân cháy lan rộng và khó kiểm soát đã được đề cập nhiều: từ chuyện thời tiết khắc nghiệt, xâm hại tài nguyên rừng; sơ suất trong canh tác và sinh hoạt; phương tiện và nhân lực chống cháy rừng còn nhiều hạn chế...

Cá nhân tôi cho rằng các nguyên nhân trên chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Vấn đề chúng ta hôm nay là hệ quả tất yếu của quy hoạch chưa tốt và chính sách phát triển ngành lâm nghiệp chưa thật sự phù hợp!

Nguy cơ cháy rừng ở miền Trung vẫn rất cao

TTO - Biến đối khí hậu làm nắng nóng suốt hơn tháng qua khiến nguy cơ cháy rừng khu vực miền Trung vẫn ở mức rất cao. Về lâu dài, phải xây dựng được một khuôn khổ chính sách phù hợp trong phòng chống cháy rừng mang tính bền vững.

TRẦN NAM THẮNG (khoa lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên