Tổng giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) Ahmet Üzümcü phát biểu khai mạc hội thảo về chống khủng bố bằng vũ khí hóa học tại La Haye (Hà Lan) ngày 7-6 - Ảnh: OPCW
Ký kết và thực hiện các hiệp định là cách chúng ta duy trì hệ thống quốc tế và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Khi các hiệp định bị phá vỡ hoặc không còn hiệu quả, cộng đồng quốc tế sẽ phải gánh chịu hậu quả.
CWC nằm trong số các hiệp định đang đứng trước thách thức và thật đáng lo ngại, khi chúng ta đã quên đi bao công sức vất vả trước đây để đạt được thỏa thuận này.
Hậu quả kinh hoàng
Vũ khí hóa học là những chất độc khiến con người khó thở, ngạt hơi, nôn mửa rồi suy kiệt. Chúng có thể để lại hậu quả lâu dài hết một đời người. Thế kỷ 20 đã chứng kiến việc sử dụng vũ khí hóa học cả trong và ngoài chiến trường với hậu quả kinh hoàng.
Hơn 90.000 binh lính đã bỏ mạng đau đớn trong Chiến tranh thế giới thứ nhất do các chất hóa học như chlorine hay hơi mù tạt; gần 1 triệu người bị mù, mất đi một phần cơ thể và suy giảm sức khỏe nghiêm trọng.
Các loại vũ khí này cũng để lại hậu quả nghiêm trọng tại Morocco, Yemen, Trung Quốc và Ethiopia. Tới tận hôm nay, chúng ta vẫn còn có thể thấy hậu quả của vũ khí hóa học trong chiến tranh Iran - Iraq từ những năm 1980, với khoảng 30.000 người Iran vẫn đang chịu ảnh hưởng và chết dần chết mòn vì những chất hóa học họ gặp phải trong cuộc chiến.
Người dân Việt Nam, hơn ai hết, quá thấu hiểu những hậu quả do vũ khí hóa học gây ra. Tôi nhớ lại những hình ảnh sống động trong phim Khát vọng người tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 vừa qua.
Bộ phim nói về việc các gia đình Việt Nam hiện vẫn đang chống chọi với ảnh hưởng của chất độc da cam như thế nào và khiến mọi khán giả có chung một nhận định rằng chúng ta sẽ không bao giờ cho phép lịch sử đau thương này lặp lại thêm một lần nữa.
20 năm trước, sự ra đời của CWC là một dấu mốc quan trọng trong chính trị quốc tế. Cộng đồng quốc tế đã kẻ đường chỉ đỏ ghi nhận bất cứ việc sử dụng vũ khí hóa học nào cũng đều phi lý và không thể chấp nhận được. Giờ chính là lúc chúng ta hành động để bảo vệ chân lý này
- STEPHEN LYSAGHT - Đại biện lâm thời Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam
Thách thức nghiêm trọng
CWC có hiệu lực từ năm 1997 đã khai sinh ra Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có một tổ chức quốc tế độc lập, khách quan để giám sát và điều tra các việc liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học. Việt Nam là một trong số 192 nước đã thông qua và là thành viên của CWC.
Hơn 20 năm kể từ khi có hiệu lực và 5 năm kể từ khi OPCW được trao giải Nobel hòa bình, CWC và các tập quán quốc tế chống việc sử dụng vũ khí hóa học đang đứng trước các thách thức nghiêm trọng.
Chúng ta cần bảo vệ, tăng cường CWC và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngày 29-5, Anh cùng 10 quốc gia đã kêu gọi tổ chức một hội nghị giữa các quốc gia thành viên của CWC.
Đáp lại lời kêu gọi này, OPCW thông báo các nước thành viên CWC sẽ gặp mặt tại La Haye, Hà Lan từ ngày 26 đến 28-6. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cùng chung tay thảo luận các phương thức tăng cường và bảo vệ CWC, một dấu mốc quan trọng của hệ thống quốc tế trong việc chống phổ biến vũ khí hóa học và giải trừ quân bị.
Chúng tôi hi vọng nhiều quốc gia sẽ tham gia ủng hộ nỗ lực tăng cường CWC và các hiệp ước quốc tế khác về vũ khí hóa học trên thế giới.
Hội nghị sắp tới không hướng tới việc đối đầu, buộc các quốc gia phải lựa chọn phe này hay phe kia. Thực chất đây sẽ là cơ hội để chúng ta đưa ra lựa chọn giữa một bên là nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tôn trọng luật pháp quốc tế với tình trạng vô chủ vô hướng và tương lai ảm đạm khi chúng ta và con cháu chúng ta sẽ coi việc sử dụng vũ khí hóa học như một điều hết sức bình thường.
Thành quả quốc tế sau nhiều năm công sức có nguy cơ bị xâm hại nếu chúng ta không hành động.
Đại biện lâm thời Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Stephen Lysaght là nhà ngoại giao với 30 năm kinh nghiệm. Ông tham gia nhiều hoạt động chính trị đối ngoại nhằm tăng cường hợp tác giữa Anh và Việt Nam trên nhiều vấn đề nổi bật như an ninh Biển Đông, chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và chống vũ khí hóa học. Ông từng làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Mỹ, Nga, Mexico và Philippines.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận