Ngoài Giải hạng nhất, nhiều trận đấu bất thường còn xảy ra ở các giải trẻ - nơi mà sóng truyền hình, mức độ quan tâm của công chúng, giới chuyên môn ít để ý đến. Và không phải CLB nào cũng mạnh tay chống tiêu cực, chủ động nhờ cơ quan điều tra vào cuộc như CLB Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa các cầu thủ xấu xí ra ánh sáng.
Cầu thủ tiêu cực ngày càng trẻ
Ngoài thủ môn Nguyễn Sơn Hải đã 30 tuổi, 4 cầu thủ bị khởi tố còn lại của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đều còn rất trẻ. Tiền vệ Lê Bằng Gia Huy 22 tuổi; tiền vệ Nguyễn Quang Huy, Trần Kỳ Anh và tiền đạo Phạm Văn Phong cùng 20 tuổi. Đáng nói, Quang Huy từng được triệu tập vào tuyển U23 Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Dù vậy, cả nhóm cầu thủ trẻ này dám làm độ, đá dưới sức và đặt cửa thắng cho đội khách SHB Đà Nẵng ở vòng 8 Giải hạng nhất 2023-2024 trên các trang cá cược bóng đá.
CLB Đồng Nai cũng phát hiện 4 cầu thủ của mình thi đấu có dấu hiệu bất thường trong trận thua chủ nhà Bà Rịa - Vũng Tàu 0-4 ở vòng 4 Giải hạng nhất 2023-2024. Tuy nhiên, CLB Đồng Nai chỉ tiến hành thanh lý hợp đồng sau trận đấu sau khi làm việc với công an. Đáng nói, 3/4 cầu thủ này cũng chỉ mới 22 tuổi là Lê Khánh Toàn, Đỗ Duy Nam và Nguyễn Trọng Kiệt. Cầu thủ còn lại là Nguyễn Văn Tùng, 30 tuổi.
Tháng 8-2023, LĐBĐ VN (VFF) cấm thi đấu 2 năm với thủ môn Nguyễn Văn Bá (sinh năm 2001) vì có nhiều hành động đáng ngờ, cố tình để thua thêm nhiều bàn trong trận CLB Dugong Kiên Giang thua Đồng Nai 0-6 ở Giải hạng nhì quốc gia 2023. Khi đó, cựu tuyển thủ U19 Việt Nam này để thủng lưới 5 bàn trong hiệp hai, nhận 2 thẻ vàng liên tiếp ở phút 90 và phút bù giờ thứ nhất.
Nhưng đỉnh điểm và nổi tiếng toàn thế giới chính là vụ 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp dính chơi cá cược và dàn xếp tỉ số trong trận gặp Vĩnh Long ở vòng loại Giải U21 quốc gia 2019. Đây là vụ mà Tuổi Trẻ đã phanh phui, dẫn đến án phạt cho 11 cầu thủ này cả ở Việt Nam lẫn thế giới khi FIFA ra án phạt tương tự. Trong đó, người cầm đầu là Huỳnh Văn Tiến bị cấm thi đấu 5 năm. 10 cầu thủ còn lại bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 6 tháng. Các cầu thủ trẻ Đồng Tháp này cũng thừa nhận làm độ ở cả Giải hạng nhì 2019 khi khoác áo CLB Gia Định.
Vì sao tiêu cực nhiều ở giải hạng thấp hoặc giải trẻ?
Ở V-League, do có thu nhập cao nên cầu thủ đều ý thức được sự nguy hiểm khi dính đến tiêu cực. Các trận đấu ở V-League cũng được truyền hình trực tiếp nhiều nên muốn làm độ cũng khó. Trong khi đó, các trận đấu ở giải hạng nhất hay hạng nhì đều không được trực tiếp nhiều hoặc có nhiều khán giả để gây chú ý. Và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực nảy sinh.
Đặc biệt những đội bóng không có khát vọng thăng hạng, đá chỉ để trụ hạng, nên cầu thủ thường dựa vào đó để "làm độ" cho riêng mình khi đội nhà đã đủ điểm. CLB Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ điển hình. Mặt khác, trước cám dỗ của tiền bạc, cầu thủ trẻ rất dễ sa ngã khi thu nhập của mình khá thấp. Đi theo các đàn anh ngoài xã hội ăn chơi, được rủ rê tham gia cá độ, đến lúc thua nhiều tiền không còn khả năng chi trả thì phải làm theo lệnh của các anh để trả bớt nợ nần. Đó là thực tế của không ít cầu thủ trẻ.
Năm 2014, bóng đá Việt Nam rúng động khi 6 cầu thủ CLB Đồng Nai bị bắt sau trận thua chủ nhà Than Quảng Ninh 3-5 ở vòng 21 V-League 2014 để điều tra đường dây bán độ. Theo kết quả điều tra, 6 cầu thủ Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến và Phan Lưu Thế Sơn đã chơi dưới sức nhiều trận để thua, lấy tiền bán độ. Hệ quả là một loạt án tù dành cho 6 cầu thủ này.
Dù vậy, những bản án đó rốt cuộc vẫn không đủ sức cảnh tỉnh cho các cầu thủ, đặc biệt cầu thủ trẻ, khi tiếp tục nhúng chàm. Do đó, tuy VFF luôn chú trọng phòng chống tiêu cực ở các giải đấu nhưng điều đáng buồn là những vụ dàn xếp tỉ số vẫn cứ diễn ra và xảy ra nhiều ở các giải đấu cấp thấp hoặc các giải trẻ. Vì vậy, tăng cường việc giám sát ở các giải đấu này là chuyện VFF phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận