Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an - Ảnh: DANH KHANG
Lễ phát động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng chống mua bán người do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức tối 29-7.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân. Trong đó, có 26 nam, 40 nữ, nhiều nạn nhân rất trẻ, dưới 16 tuổi.
Theo ông, việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm".
"Công tác hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương. Qua đó, thể hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống mua bán người", thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý cơ quan chức năng cần triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhấn mạnh ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, chuyên ngành nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người.
Các thủ đoạn về lừa đảo mua bán người được chuyên gia chỉ rõ như dụ dỗ xuất khẩu lao động hoặc tuyển dụng với hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" qua mạng xã hội, tán tỉnh hẹn hò nhưng thực ra là lừa đảo, biến nạn nhân thành nô lệ tình dục - Ảnh: DANH KHANG
Còn bà Hà Thị Nga, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho hay với khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, nguy cơ nữ giới trở thành nạn nhân mua bán người rất lớn nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thông tin, Internet, đặc biệt là mạng xã hội một cách an toàn.
Báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc năm 2018, 7/10 nạn nhân bị buôn bán người là nữ giới. Số nạn nhân bị mua bán tăng lên hằng năm, từ 20.000 người (năm 2003) lên khoảng 49.000 người (năm 2018) với nhiều hình thức như bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức…
Những hành vi này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, đồng thời gây nên những bất ổn trong xã hội.
Nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người - Ảnh: DANH KHANG
Ngày 18-7, các bộ Công an, Lao động - thương binh và xã hội, Quốc phòng, Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận