TTCT - Vụ cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) ngày 16 và 17-5 vừa qua là lần cá chết thứ năm ở tuyến kênh này, diễn ra trong ba năm qua. Nhưng giải pháp cho tình trạng này và những vấn đề về môi trường liên quan đến tuyến kênh còn đang bị bỏ ngỏ trên dòng kênh được xem là đẹp nhất TP hiện nay. Vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè -Q.Khải 25 tấn zeolite, hơn 100kg oxygen dạng bột vừa được rải xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm cải thiện môi trường nước và ngăn tình trạng cá chết tiếp diễn. Hàng trăm công nhân và hàng chục canô, tàu bè được huy động làm suốt ngày đêm để khắc phục hậu quả. Nhiều nguyên nhân Cá chết từ năm 2014 đến nay Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 9,4km, bắt đầu từ đường Lê Bình, Hoàng Việt (quận Tân Bình) đi qua quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 1, đổ ra sông Sài Gòn (đoạn gần Nhà máy Ba Son). Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP, năm 2014 xảy ra hai đợt cá chết. Đợt 1 vào đầu tháng 4, đợt 2 từ ngày 19 đến 22-5. Năm 2015, tình trạng cũng xảy ra tương tự, đợt 1 xảy ra ngày 11 và 12-4, đợt 2 xảy ra ngày 18 và 19-5. Tuy nhiên, những đợt trên cá chết ít (2-3 tấn - PV). Riêng đợt cá chết ngày 16 và 17-5-2016, lượng cá chết hơn 70 tấn (thống kê chưa đầy đủ). Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, đến ngày 17-5 lượng cá chết ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là hơn 70 tấn. Người dân TP nhiều lần chứng kiến tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng lần này cũng ngỡ ngàng vì lượng cá chết quá lớn, so với trước đây chỉ vài tấn mỗi đợt. Sự việc trên cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp hiệu quả thì nguồn lợi thủy sản trên dòng kênh mà chính quyền TP và người dân chung tay tái tạo có nguy cơ không còn. Có ý kiến cho rằng cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn là câu chuyện “chim trời cá nước” mà còn chứa đựng tình cảm, mong muốn của người dân về môi trường sống tốt đẹp hơn. Vì vậy nhiều người xót xa khi nhìn thấy cá chết phơi bụng trắng dòng kênh này trong những ngày qua. Ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP - giải thích: cơn mưa đầu mùa cuốn những chất bẩn, ô nhiễm xuống dòng kênh là nguyên nhân chính khiến cá chết. Bằng chứng là quá trình xét nghiệm mẫu nước cho thấy hàng loạt chỉ tiêu như nhiệt độ, độ pH, amoni (NH3, NH4) đều vượt ngưỡng cho phép trong môi trường để thủy sản sinh sống. Cụ thể, độ trong của nước nhỏ hơn 20cm (quy định từ 30cm trở lên), pH 8,7-9 (quy định 6,8-8,5), NH3 0,36mg/lít (quy định nhỏ hơn 0,3mg/lít)... Đồng tình với nhận định trên, TS Trần Hữu Lộc - khoa thủy sản Đại học Nông lâm TP.HCM - cho rằng những người nuôi trồng thủy sản rất sợ những cơn mưa đầu mùa. Bởi sau khi trải qua mùa khô, các chất bẩn, ô nhiễm tích tụ dọc theo đường thoát nước, cống rãnh, hố ga, thậm chí mặt đường... Khi mưa, tất cả các loại ô nhiễm này bị tống xuống dòng kênh. Nước chảy ra kênh cũng làm những cặn bẩn tích tụ dưới kênh bị quấy đục. Lớp cặn này bám vào mang cá (những loài cá thở bằng mang như chép, rô phi) khiến cá có thể bị ngộp chết. Ngoài ra, sau mùa khô, dưới đáy kênh tích tụ nhiều lớp bợn, cặn bẩn, trong môi trường yếm khí sẽ sinh ra các chất khí độc như NH3, metan, H2S (hydro sulfua) được bao bọc bởi lớp cặn bẩn này. Khi nước mưa từ cống thoát xuống kênh làm thay đổi áp lực dòng chảy, cuốn hoặc làm xói mòn lớp cặn bẩn, làm các chất khí độc thoát ra ngoài phát tán trong môi trường nước. Khi đó cá bị ngộ độc cấp tính dẫn đến chết hàng loạt và chết nhanh. “Hiện tượng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè liên tục trào khí bùn và bùn đen từ đáy kênh lên chính là quá trình phát tán các khí độc” - TS Lộc nhận định. Cũng theo ông Lộc, tất cả quá trình trên đã “hút” một lượng oxy nhất định, làm cho oxy trong nước thiếu, cũng là yếu tố kết hợp khiến cá chết. Một nguyên nhân khác không loại trừ, theo TS Lộc, là có thể lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp... chưa được kiểm soát theo đường cống thải ra kênh làm cho nồng độ ô nhiễm trong kênh gia tăng. Tại sao cá chết chủ yếu là rô phi, chép? TS Lộc cho rằng những loài cá trên chủ yếu hô hấp bằng mang - là loại nhạy cảm nhất với môi trường ô nhiễm nên sẽ chết đầu tiên. Đối với những loài cá mạnh hơn như trê, rô, lóc... có hệ hô hấp phụ “hít thở khí trời” thông qua việc ngoi lên mặt nước thì ngưỡng chịu ô nhiễm mạnh hơn. “Trường hợp các loài cá trên chết hàng loạt thì môi trường nước ở đó khó có loài thủy sản nào có thể sống được” - TS Lộc nhận định. Rải zeolite làm giảm ô nhiễm nước kênh -Q.Khải Sao cá chết nhiều ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè? Theo ông Trần Văn Sơn - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 9,4km, đoạn đầu nguồn (quận Tân Bình) tiếp giáp với nguồn gây ô nhiễm (nước từ cống xả ra) ít có sự luân chuyển nước, dòng chảy không lớn nên không đủ pha loãng hay đẩy các chất ô nhiễm đi. Trong khi ở các kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ là những kênh liên thông, dòng chảy lớn nên các chất ô nhiễm gần như được pha loãng, hiện tượng cá chết ít khi xảy ra. Nguyên nhân khác là trên hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có lượng lớn cá rô phi sinh sôi phát triển - loài cá được cho là nhạy cảm với ô nhiễm, lại rất ít ở các dòng kênh khác. Tuy nhiên, TS khoa học Lê Huy Bá - chuyên gia độc học môi trường - cho rằng các kênh khác như Tham Lương - Bến Cát hay Tân Hóa - Lò Gốm, tình trạng ô nhiễm hơn Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng thời gian qua ít khi xuất hiện cá chết. Ông Bá nói việc đầu tư không đồng bộ hệ thống xử lý nước thải của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là sai lầm. Dự án có hệ thống thu gom nước thải nhưng hiện nước thải thu gom đưa về trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh để bơm ra sông Sài Gòn (theo quy hoạch, nhà máy xử lý nước thải này sẽ xây dựng tại quận 2 để đưa nước thải từ Nhiêu Lộc - Thị Nghè về đây xử lý - PV). “Việc này chẳng khác nào đưa ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác và tình hình ô nhiễm vẫn không có gì thay đổi” - ông Bá nhận định. Đánh giá giải pháp trước mắt, TS Lộc cho rằng việc rải chế phẩm sinh học zeolite có tác dụng hấp thu khí độc nhưng hiệu quả của nó ở một ngưỡng nhất định, trong khi lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè quá lớn. Ông Lộc cho rằng vụ cá chết trên kênh vừa qua là bài học cho cộng đồng về ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Thực tế kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay trở thành một trong những nơi hứng rác lớn, với lượng rác vớt được 8-10 tấn/ngày, có lúc đến 14 tấn/ngày. Để hạn chế tình trạng cá chết, cải thiện môi trường kênh, TS Lộc cho rằng ngoài chuyện kiểm soát chất lượng nước thải đầu nguồn thì mỗi người dân phải chia sẻ trách nhiệm, không vứt rác xuống dòng kênh. Còn theo ông Lê Huy Bá, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cần nghiên cứu tách hệ thống cống xử lý nước thải và nước mưa ra riêng, không để chung như hiện nay, vì làm như vậy nước thải chưa qua xử lý vẫn có thể thoát ra kênh theo nước mưa. Để mùa mưa năm 2017 không còn hiện tượng cá chết hàng loạt, TS Lộc cho rằng cần phải nạo vét lớp cặn bã dưới đáy kênh gần khu vực đầu nguồn. Việc này có thể dùng thiết bị hút bùn hiện đại và làm từng đoạn, ưu tiên những đoạn chứa nhiều cặn bùn, tránh “quậy đục” cả dòng kênh. “Việc này phải được thực hiện trước mùa mưa nhằm tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng” - TS Lộc lưu ý.■ Có thể thả một số loài cá phóng sinh Sau khi vụ cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xảy ra, UBND TP.HCM thông báo yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục môi trường trên dòng kênh. UBND TP cũng khuyến nghị người dân không nên thả cá phóng sinh vì chất lượng nguồn nước chưa ổn định. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-5, ông Trần Đình Vĩnh - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP - cho biết những ngày qua trời liên tục có mưa, đồng thời trước đó đơn vị đã dùng hóa chất xử lý nước nên chất lượng nước hiện đã ổn định, người dân có thể tham gia thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, ông Vĩnh khuyến nghị người dân không nên thả cá phóng sinh ngoại lai và trước mắt có thể thả cá chịu được môi trường nước bị ô nhiễm như rô, trê, lóc (đồng), trê phi… Tags: Cá chết
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Công ty của HIEUTHUHAI tăng vốn từ 5 triệu lên 9 tỉ, loạt ca sĩ, streamer… lập công ty riêng BÌNH KHÁNH 27/12/2024 Ngành công nghiệp giải trí cùng mạng xã hội phát triển là môi trường thuận lợi để nhiều người trẻ có cơ hội lập nghiệp. Streamer Độ Mixi, ca sĩ HIEUTHUHAI hay Quang Linh Vlogs… đều sở hữu công ty riêng.
Tuyển Singapore đến Việt Trì sớm hơn cả đội hình chính tuyển Việt Nam NGUYÊN KHÔI 27/12/2024 Tối 27-12, đội tuyển Singapore đã đến Việt Trì (Phú Thọ), sớm hơn cả HLV Kim Sang Sik cùng đội hình đá chính của đội tuyển Việt Nam.
Người dân thích thú nếm thử đặc sản Lào giữa lòng TP.HCM NHẬT XUÂN 27/12/2024 Gần 100 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng, đặc sản Lào đã thu hút đông đảo khách tham quan tại Ngày hội du lịch - văn hóa - xúc tiến thương mại Lào - Việt 2024.
Báo chí Thái Lan gọi trận thua Philippines là 'khoảnh khắc tội lỗi' ĐỨC KHUÊ 27/12/2024 Truyền thông tại Thái Lan không thể tin vào việc đội nhà lại phải nhận thất bại trước Philippines tối 27-12.