Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã phạt doanh nghiệp phát hành loại trái phiếu (ảnh) do có nhiều sai phạm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Vì vậy cần phải giám sát chặt để không có... "bom nổ chậm"?
TS Lê Đạt Chí - Trường đại học Kinh tế TP.HCM - phân tích cách vận hành của trái phiếu, những "con sâu" trong ruột trái phiếu và giải pháp để có trái phiếu thân thiện với người dân. Ông Chí nói:
- Từ xưa, người này cho người kia mượn tiền, một người đi mượn nhiều người là bình thường, các bên đều dựa trên niềm tin. Khi hệ thống ngân hàng (NH) phát triển với nhiều quy định chặt chẽ, bà con gửi tiền thấy khả năng trả lại sẽ cao hơn nhà hàng xóm nên yên tâm gửi vào.
Rồi cao hơn nữa là thị trường nợ - với trái phiếu, các khoản vay được chia nhỏ thành tờ trái phiếu (giấy ghi nợ) với mệnh giá từ vài trăm ngàn trở lên, nếu cần tiền có thể chuyển nhượng, dù giữ vài ngày cũng được tính lãi. Về bản chất, TPDN không chỉ có lợi cho người nắm giữ mà còn trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh, giúp nền kinh tế vận hành tối ưu. Nhưng nếu có sự lợi dụng, không chặt chẽ thì tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Tiền lớn và rủi ro không nhỏ
* Cho nhà hàng xóm mượn tiền vì quen biết nhiều năm vẫn có khả năng mất, mua TPDN cũng có khả năng bị "bùng" tiền?
- Ở thị trường sơ đẳng, cho mượn tiền vì biết nhà hàng xóm uy tín cỡ nào, nhìn thấy tài sản tận mắt, ngày ngày đi ra đi vô giám sát được. Thị trường trái phiếu cao cấp hơn, nhưng thời gian qua chưa được kiểm soát chặt. Nhiều DN phát hành trái phiếu (bên vay) mà nhà đầu tư (bên cho vay) không biết chủ DN là ai, tình hình làm ăn ra sao, chỉ tin tưởng người đi bán (NH, công ty chứng khoán).
Phát hành mà không có tài sản bảo đảm thì nguy cơ thành trái phiếu "rác" khi DN lợi dụng lòng tin bán giấy lấy tiền. Bán trái phiếu kiểu này cực kỳ rủi ro, kém chất lượng hơn cả bà hàng xóm cho người cùng làng mượn tiền.
DN huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng có thật vậy hay đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo. Chưa kể, nhiều khi khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.
Người mua cần cân nhắc trước các loại trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao bất thường - Ảnh: N. PHƯỢNG
* Rủi ro vậy nhưng tại sao nhiều NH vẫn dồn dập mua TPDN, đặc biệt là của DN bất động sản? 9 tháng năm 2021, gần 60% TPDN do NH và công ty chứng khoán nắm giữ, trong đó các NH mua vào tới 124.400 tỉ đồng?
- Một nghi vấn đặt ra là tại sao khi cho ai vay dù món lớn hay nhỏ NH cũng yêu cầu thế chấp tài sản nhưng lại dễ dàng mua tờ giấy TPDN rủi ro cao? Liệu có phải khi nhận thấy DN nào đó không đáp ứng đủ điều kiện để cho vay tín dụng, NH đã "lách" bằng cách đi làm giúp hồ sơ phát hành và mua lại trái phiếu của DN, đi một vòng tiền vẫn đổ về túi DN? Vậy DN "may mắn" hay có phải là "sân sau", "bà con" của NH? Các ông chủ NH là ai và có quan hệ gì mà dễ dàng xuống tiền với DN "may mắn" trên?
Trong chiến lược gia tăng tài sản, nhiều ông chủ nhà băng huy động tiền gửi của người dân rồi cho "người nhà" vay để mở rộng đất đai, gia tăng tài sản cho bản thân. Những nghi vấn này cần phải làm rõ qua thanh tra, giám sát.
* NH, công ty chứng khoán bán trái phiếu cho người dân, vậy khi DN phát hành làm ăn thua lỗ thì có đòi lại được tiền từ bên bán không?
- Nhằm mang đến sự tin cậy cho nhà đầu tư, thông thường các DN sẽ thuê NH hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành. Nhà đầu tư có thể chưa từng biết tên DN phát hành trái phiếu nhưng biết tới NH, hoặc thấy công ty chứng khoán là "con" của NH nên cũng tin tưởng mua.
Trên thực tế, các tổ chức trên chỉ là bên cung cấp dịch vụ, hưởng phí, hoa hồng, chứ không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, toàn bộ trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn đều thuộc về DN phát hành. Nếu DN phá sản thì người dân cắn răng chịu, không thể đòi tiền từ NH, công ty chứng khoán.
Khi tiếp cận tình hình tài chính của DN phát hành trái phiếu, nếu là trái phiếu "ngon", công ty chứng khoán và NH đã mua ngay. Nếu cảm thấy đó là hàng chất lượng không cao, các tổ chức này sẽ không cam kết bảo lãnh phát hành (mua hết số trái phiếu bán không hết) mà chỉ đứng ra làm hồ sơ phát hành để ăn phí. Ai mua người đó chấp nhận rủi ro.
Phải siết quy định
* Vậy làm sao để trái phiếu "ngọt" và thân thiện với người dân, thưa ông?
- Trên thị trường nợ ở các nước phát triển, DN muốn phát hành trái phiếu (vay nợ) phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc đi vay. Tránh việc phát hành quá dễ dàng, trái phiếu "3 không" (không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành) mọc lên nhan nhản.
Chính phủ cần "trừ sâu" trên thị trường trái phiếu, thanh tra kiểm tra, giám sát để thị trường minh bạch, tránh việc NH thương mại bắt tay DN "sân sau" để rồi phát sinh "cục máu đông" nợ xấu khó xử lý. Những trái phiếu do công ty chứng khoán đứng ra phát hành cũng phải có báo cáo rõ ràng để người mua an tâm.
Nếu thị trường TPDN ở Việt Nam được kiểm soát tốt, theo cách làm của nhiều nước phát triển, thì người cao tuổi, hưu trí sẽ chọn và an tâm mua những trái phiếu có tài sản đảm bảo để hưởng lãi suất.
Người mua thường xuyên được "con nợ" báo cáo tình hình tài chính, họ cho vay tiền mà không cần biết mặt mũi "con nợ" vì có cơ quan nhà nước giám sát DN sử dụng tiền có đúng mục đích không. Vì vậy phải hành động để đưa TPDN trở nên thân thiện, an toàn hơn để người dân có thêm kênh đầu tư, bên cạnh gửi tiết kiệm. Điều này cũng giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn, bên cạnh vay NH.
Rủi ro ngân hàng "lách" mua trái phiếu của "họ hàng"
Theo dữ liệu từ Chứng khoán SSI, lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 443.100 tỉ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
"Chỉ một số ít trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán (phần lớn số trái phiếu phát hành chỉ được bảo lãnh phát hành), tức ngân hàng và các công ty chứng khoán sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại trong trường hợp không phát hành hết", SSI cho biết.
Theo TS Lê Đạt Chí, dù Ngân hàng Nhà nước phần nào sửa luật tín dụng, ngân hàng thương mại không được cho những người ruột thịt của nhà quản trị ngân hàng vay vốn, chẳng hạn ông chủ tịch ngân hàng không được cho doanh nghiệp của con ông đứng tên vay tiền, nhưng không cấm mua trái phiếu của con ông, lách được luật nên họ mua vô tội vạ. Hoặc ông chủ ngân hàng nhờ người đứng ra mua giùm trái phiếu của doanh nghiệp con mình phát hành.
Phạt quá nhẹ, không khó để lách?
Vài ngày đầu tháng 12, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã liên tiếp công bố xử phạt hành chính doanh nghiệp vì vi phạm các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Nhưng thị trường đang rất phức tạp, có đủ kiểu lách quy định.
"Lách" mua trái phiếu qua "hợp đồng đầu tư"
Trong vai khách hàng, chúng tôi tiếp cận nhiều môi giới TPDN bất động sản (BĐS). Ngoài TPDN, các môi giới còn giới thiệu "trái phiếu đầu tư" - linh động rút tiền, lãi suất từ 11 - 18%/năm, được ưu tiên đặt mua trước và được tặng voucher 3% giá trị BĐS khi dự án mở bán.
"Trái phiếu này có lãi suất cao vì không mất phí phát hành, phí kiểm toán, đưa tiền cho bên tư vấn…", nhân viên xưng tên Q. nói.
Theo nghị định 153/2020 của Chính phủ, đối tượng mua TPDN phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có chứng chỉ hành nghề, nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng).
Dù vậy, nhân viên Q. vẫn cho biết khách hàng chỉ cần "lót" 2,8 triệu đồng là được công ty chứng khoán "xử lý hết", có chứng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong thông báo mới đây, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cảnh báo nếu "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng mua trái phiếu qua hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán thì nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi theo cam kết của DN phát hành.
Cần nhiều giải pháp kiểm soát phát hành TPDN để tránh rủi ro cho nền kinh tế - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phạt không đủ nặng?
Ba công ty vừa bị SSC xử phạt là Công ty Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISecurities), Công ty CP Tập đoàn VsetGroup và Công ty CP Apec Group.
VsetGroup và Apec Group mỗi bên bị phạt 600 triệu đồng do chào bán TPDN thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Riêng Apec Group là DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực BĐS, có "dây mơ rễ má" với nhiều DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Chứng khoán Apec (APS), Apec Investment (API), IDJ Investment (IDJ). Trong phần lớn quá trình huy động vốn, Chứng khoán Apec chính là đơn vị đứng ra phát hành trái phiếu cho Apec Group.
Sau khi bị phạt, Apec Group giải thích do quy định pháp luật về phát hành trái phiếu thay đổi khiến DN chưa kịp thời nắm bắt!?
Từ đầu năm 2021, DN này liên tục giới thiệu các gói trái phiếu riêng lẻ ABond không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, lãi suất 13%/năm... Dù huy động số tiền lớn nhưng bảng công bố thông tin cho thấy nguồn thu nhập chính của DN này chủ yếu từ hoạt động tài chính. Apec Group cũng kèm theo câu: "Bảng công bố thông tin này và các nội dung trong đó, hoặc bất kỳ thông tin nào được cung cấp theo yêu cầu phải được giữ bí mật hoàn toàn…".
Một chuyên gia tài chính nhận định số tiền DN bị phạt quá nhỏ, DN bị phạt vẫn có thể "lách" sang dạng "hợp đồng hợp tác đầu tư" để tiền không chạy ra khỏi DN.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc môi giới hội sở - Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng việc thanh tra và thanh lọc những DN vi phạm là cấp thiết để phát triển bền vững thị trường TPDN. Cũng cần xây dựng hành lang pháp lý cho các giao dịch của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán (chiếm 3/4 tỉ trọng nhà đầu tư TPDN).
Trong ngắn hạn, lượng TPDN phát hành mới trên thị trường sẽ giảm nhẹ do bị siết nhưng sẽ đảm bảo giao dịch các TPDN chất lượng, tránh trường hợp như quả "bom nợ" của Tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc.
Về dài hạn, cần hướng đến việc xếp hạng các nhà phát hành TPDN, từ đó quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng.
Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải: Đừng mờ mắt trước lãi suất cao
Hiện nay có tình trạng "sếp lớn" của các công ty BĐS lại chuyển qua làm chủ tịch các ngân hàng. Cần siết chặt các mối quan hệ thân quen, dây mơ rễ má không lành mạnh, khiến ngân hàng mua trái phiếu bất chấp dù biết rủi ro nợ xấu.
Để thị trường minh bạch, ngoài kiểm soát việc ngân hàng mua trái phiếu, cũng cần có các công ty xếp hạng tín nhiệm, nhưng tránh công ty xếp hạng tín nhiệm DN khác nhưng bản thân mình lại kém chất lượng.
Thường nếu DN kinh doanh hiệu quả thì việc vay vốn không quá khó khăn, chưa kể lãi suất 7-8%, thấp hơn so với mức 11 - 18% trả cho người mua TPDN. Do đó, khi thấy lãi cao bất thường, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng. Việc siết chặt thị trường TPDN cũng tránh trường hợp bơm quá nhiều tiền vào DN BĐS yếu kém, nên dành tiền đó cho DN sản xuất kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận