05/06/2020 10:21 GMT+7

Ngăn bạo lực cảnh sát ở Mỹ

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Ngày 4-6 (giờ Việt Nam), cả 4 cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ ghì chết George Floyd đều bị truy tố. Riêng cảnh sát Derek Chauvin, người trực tiếp gây ra cái chết cho Floyd, bị nâng mức truy tố từ cấp 3 lên cấp 2.

Ngăn bạo lực cảnh sát ở Mỹ - Ảnh 1.

Người biểu tình cụng tay với Vệ binh Quốc gia tại thủ đô Washington đêm 3-6 - Ảnh: AP

Người Mỹ sùng kính cảnh sát, nhưng điều đó không khiến họ bị mù trước những vấn đề và thất bại của lực lượng thực thi pháp luật.

Báo Washington Post bình luận

Từ cái chết thương tâm của Floyd, đã có những tiếng nói kêu gọi cải tổ vấn nạn bạo lực cảnh sát. Mới nhất là cựu tổng thống Barack Obama.

Phát biểu từ nhà ở Washington qua livestream hôm 3-6, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ không đề cập trực tiếp cách xử lý bất ổn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhưng ông được cho là đã nổi giận với việc cảnh sát dùng vũ lực với người biểu tình gần Nhà Trắng đầu tuần này.

Thật ra, người dân Mỹ đã dành sự ủng hộ và tin tưởng cho cảnh sát Mỹ nhiều thập niên qua và giờ họ cũng ủng hộ, nhưng "ủng hộ cải cách".

Trong bối cảnh đó, cải cách lực lượng cảnh sát đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu ở Mỹ. Nhiều nơi ở Mỹ đang rục rịch điều chỉnh các chính sách để xóa bỏ bạo lực cảnh sát và "chữa lành vết thương" cho người da màu.

Ngày 3-6, thị trưởng Eric Garcetti của Los Angeles thông báo thành phố lớn thứ hai của nước Mỹ này sẽ cắt giảm 100 - 150 triệu USD từ ngân sách dành cho cảnh sát. Ông Garcetti nói rằng Los Angeles cần "thực hiện một cam kết thay đổi mạnh mẽ, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động".

Với việc cắt giảm ngân sách, thị trưởng Garcetti cho biết Los Angeles sẽ có thể đầu tư nhiều hơn vào việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bù đắp cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi và những người đã bị bỏ lại phía sau.

Cùng ngày, thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer công bố kế hoạch cải cách lực lượng cảnh sát để thúc đẩy bình đẳng sắc tộc tại bang. 

Bà kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật Michigan tăng cường đào tạo và tăng cường các chính sách giúp tạo ra "văn hóa cảnh sát", đảm bảo mọi người dân Michigan được đối xử bằng sự đàng hoàng và tôn trọng theo luật.

Thống đốc Whitmer thúc giục các cơ quan cảnh sát thực hiện chính sách "trách nhiệm can thiệp" giúp cứu mạng người, theo đó yêu cầu các cảnh sát can thiệp nếu họ phát hiện một đồng nghiệp đang sử dụng vũ lực quá mức.

Bà cũng ủng hộ một dự luật tại cơ quan lập pháp bang Michigan yêu cầu tất cả nhân viên thực thi pháp luật mới phải trải qua đào tạo về "định kiến ngầm", các kỹ thuật giảm leo thang căng thẳng.

Ông Sanders đề xuất kế hoạch 8 điểm

Trong thư gửi tới lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hôm 2-6, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bernie Sanders đã đề xuất kế hoạch 8 điểm mà theo ông nếu được thực hiện sẽ "đóng góp to lớn cho việc xóa bỏ bạo lực cảnh sát ở Mỹ".

Trong đó có: sửa luật cho phép kiện cảnh sát có hành vi sai trái hiệu quả hơn, xóa "quyền miễn trừ" để cảnh sát chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi ngược đãi, cấm chuyển thiết bị quân sự dùng để tấn công cho cảnh sát, tước quỹ liên bang với cơ quan cảnh sát vi phạm dân quyền...

Biểu tình đêm thứ 9 liên tục ở Mỹ

Các cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd và bạo lực cảnh sát tiếp tục diễn ra vào đêm 3-6 giờ địa phương, đêm thứ 9 liên tiếp ở Mỹ.

Tâm điểm vẫn là các thành phố lớn như New York và thủ đô Washington. Thị trưởng New York Bill de Blasio trong một cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh WBLS lúc 20h30 ngày 3-6 cho biết lệnh giới nghiêm đã có tác dụng làm dịu đi tình hình.

Lệnh giới nghiêm ở New York hiện tại là 20h, nhưng tới 23h ngày 3-6 vẫn còn hơn 70 người chốt chặn ở phố Nostrand, quận Brooklyn. Đụng độ nổ ra khi cảnh sát buộc người dân về nhà sau giờ giới nghiêm.

Có khoảng 90 người ở New York bị bắt vào đêm 3-6, nhưng đó là một đêm yên bình hơn trước rất nhiều và không có trường hợp cướp bóc nào được ghi nhận.

Tình hình tương tự tại thủ đô Washington, mọi người vẫn ở ngoài đường tới đầu giờ sáng hôm sau, rất lâu sau khi giờ giới nghiêm bắt đầu. Các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa, các cuộc đụng độ bạo lực đã không nổ ra như các đêm trước đó.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng bình yên. Tại thành phố New Orleans, cảnh sát phải bắn hơi cay để giải tán đám đông.

Trong khi đó ở San Diego, bang California, có ít nhất 200 người thuộc Vệ binh quốc gia đã được triển khai để ngăn chặn nạn cướp bóc và đốt phá.

MINH KHÔI

Vì sao cảnh sát Mỹ quỳ gối với người biểu tình? Vì sao cảnh sát Mỹ quỳ gối với người biểu tình?

TTO - Trong truyền thống văn hóa và tôn giáo Âu Mỹ, quỳ gối vẫn luôn được xem là biểu tượng của sự tuân phục, hối lỗi, cầu xin hay cảm tạ.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên