Biệt thự của trạm phát sóng Bạch Mai qua nét vẽ của kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy - trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội
Căn biệt thự này cùng với một dẫy nhà Pháp cổ khác hiện đang do vài cơ quan thuê sử dụng sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Những người yêu di sản, các kiến trúc sư, nhà sử học mấy ngày nay đã cùng bày tỏ nỗi tiếc nuối trước thông tin này và kiến nghị Hà Nội nên cân nhắc tìm phương án bảo tồn ngôi nhà này cùng với ngôi nhà một tầng mà trên "trán" của nó còn ghi danh "Sở Vô tuyến - điện báo" bằng tiếng Pháp.
Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Thế Kỷ - giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - cơ quan sở hữu Trạm phát sóng Bạch Mai trước đây - đã chia sẻ hai bài viết của Tuổi Trẻ về câu chuyện với căn biệt thự đặc biệt này, cùng với lời cảm thán: "Điều xót xa có thể đang đến gần! Có ai nghe thấy không!".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết ông sẽ tiếp tục hành động cho ngôi biệt thự đặc biệt gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước.
Ký họa của Chu Quốc Bình
Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên trưởng ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, người tham gia viết các cuốn sách lịch sử về đài - cho biết trạm phát sóng Bạch Mai là nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới trong chương trình phát thanh đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam vào trưa 7-9-1945.
Và ngay tại căn biệt thự này chính là nơi phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt, mật lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng - Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp để cả nước nổ súng, bắt đầu toàn quốc kháng chiến vào 20h ngày 19-12-1946.
Từ năm 1976, căn biệt thự cổ xinh đẹp này trở thành nơi sinh sống của hai gia đình cán bộ cấp cao của Đài tiếng nói Việt Nam, đồng thời cũng là những nhân vật lịch sử quan trọng là vợ chồng ông Lý Văn Sáu và vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhất - bà Dương Thị Ngân.
Ông Nguyễn Văn Nhất là phát thanh viên nam, biên tập viên đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam, người đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập để phát đi cả nước trong bản tin đầu tiên vào trưa 7-9-1945.
Ông còn là phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ, phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam ở Chiến dịch Biên giới, bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Còn vợ ông, bà Dương Thị Ngân (Ngân Thanh) chính là phát thanh viên nữ đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam, người đọc bản tin đặc biệt tối 19-12-1946 trong chính căn biệt thự này và 6h sáng hôm sau đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trạm phát sóng mới của đài đặt ở hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Bà cũng là người đọc bản tin phát đi Bản Tuyên ngôn độc lập trưa 7-9-1945 cùng với ông Nguyễn Văn Nhất.
Ông Lý Văn Sáu không chỉ là một nhà báo lớn mà còn là một nhà ngoại giao lớn mà tên tuổi gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Ông Sáu nguyên là phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh truyền hình Việt Nam, giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và là phát ngôn viên của Đoàn ngoại giao chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Nhà báo Trần Đức Nuôi nói căn biệt thự cổ này không chỉ gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là nơi sinh sống của những nhân vật lịch sử.
Ngắm căn biệt thự qua nét vẽ của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội:
Căn biệt thự dù đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp của thời kỳ phát triển rực rỡ của kiến trúc Pháp ở Việt Nam - ký họa của Lương Vũ Lan Anh
Ký họa của Đinh Văn Toàn
Ký họa của Nguyễn Gia Chiêu
Ký họa của Nguyễn Hoàng Lâm
Ký họa của Nguyễn Thị Minh Lý
Ký họa của Phạm Thu Hương
Ký họa của bé Tất Khánh 8 tuổi
Ký họa của bé Đậu 10 tuổi
Ký họa của Trần Kim Oanh
Ký họa của Võ Hùng Anh
Ký họa của Vương Long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận